Các nước ASEAN tăng tốc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân

Tính đến ngày 20/9, Indonesia đã tiêm gần 125 triệu liều vaccine, Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng cho 80% dân số trên 18 tuổi, trong khi Singapore cũng đã đạt tỷ lệ tiêm 82% dân số.
Các nước ASEAN tăng tốc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 21/9, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Sinovac và Sinopharm với tổng cộng 5,2 triệu liều.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Johnny G. Plate cho biết số vaccine nói trên do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc viện trợ, trong đó lô thứ 71 gồm 5 triệu liều Sinovac và lô thứ 72 gồm 200.000 liều Sinopharm.

Theo ông, tính đến nay Indonesia đã có tổng cộng 267.550.400 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 58.776.000 liều vaccine thành phẩm của Sinovac.

Ông nhấn mạnh rằng việc tiếp nhận hai lô vaccine trên là kết quả các nỗ lực ngoại giao của Chính phủ Indonesia nhằm mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.

Indonesia phát động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 vào ngày 13/1. Tính đến ngày 20/9, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã tiêm gần 125 triệu liều vaccine, trong đó hơn 45 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai liều.

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko thuộc Đại học Indonesia (UI) dự báo rằng quốc gia Đông Nam Á này sẽ đối mặt với đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 3 vào tháng 12 tới hoặc tháng 1/2022.

Theo chuyên gia Miko, nguy cơ này sẽ xảy ra nếu tỷ lệ tiêm chủng không đạt 50% vào cuối năm 2021, cùng với việc nới lỏng nhiều lĩnh vực mặc dù lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) vẫn được duy trì.

Ông cho rằng việc nới lỏng các lĩnh vực sẽ là một trong những lý do khiến dịch COVID-19 đạt đỉnh tại Indonesia. Điều này sẽ tạo cơ hội di chuyển của người dân, cùng với đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhà dịch tễ học Miko cũng cho rằng Indonesia cũng có thể đối mặt với đỉnh dịch của làn sóng thứ 3 nếu tốc độ truy vết tiếp xúc chậm và công tác giám sát kém đối với các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly.

[Indonesia ghi nhận ngày có số ca mắc mới thấp nhất trong hơn 1 năm]

Ngoài 3 yếu tố trên, ông cũng đề cập đến khả năng dịch bệnh lây lan mạnh trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Kinh nghiệm cho thấy số ca mắc COVID-19 thường tăng mạnh tại Indonesia sau những đợt nghỉ lễ dài do người dân di chuyển nhiều hơn.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 208.265.720 người bao gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi, công chức nhà nước, các đối tượng dễ bị tổn thương, người dân và trẻ em từ 12-17 tuổi.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 20/9, đã có 38,2% trong số đó được tiêm liều thứ nhất và 21,7% được tiêm liều thứ hai. Mới đây, Indonesia cũng triển khai tiêm vaccine mũi thứ 3 với mục tiêm tăng cường cho ít nhất 50% đối tượng trên.

Chuyên gia Singapore khuyến nghị tiêm chủng bắt buộc

Một số chuyên gia y tế ở Singapore đang kêu gọi chính phủ nước này áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca chuyển biến nặng gia tăng ở những người chưa tiêm phòng.

Chính phủ Singapore áp dụng các biện pháp mở cửa trở lại song song với mục tiêu bao phủ vaccine. Tuy nhiên, nước này đã phải tạm hoãn việc nới lỏng các hạn chế trong tháng này để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh cho thấy số ca mắc COVID-19 chuyển biến nặng có thể gây quá tải hệ thống y tế.

Các nước ASEAN tăng tốc tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 6/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trao đổi với báo giới, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, ông Dale Fisher, cho biết ông đề xuất tiêm vaccine bắt buộc cho những người trên 60 tuổi do đây là nhóm tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất nếu mắc COVID-19.

Ông chia sẻ nguyên nhân này cũng là lý do tại sao nhóm tuổi trên 60 được chọn để triển khai tiêm vaccine trước các nhóm tuổi khác cũng như triển khai tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, chuyên gia Alex Cook tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định tiêm phòng có tác dụng bảo vệ tốt hơn nhiều so với các biện pháp khác hiện đang được áp dụng và ít gây thiệt hại hơn về mặt kinh tế và xã hội.

Singapore đã trở thành hình mẫu chống dịch COVID-19 trên thế giới, với việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định bắt buộc đeo khẩu trang, truy vết tiếp xúc các ca bệnh và đóng cửa biên giới.

Cho đến nay, nước này ghi nhận 62 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng dân số 5,7 triệu người, trong khi số ca mắc mới hằng ngày giảm đáng kể trong những tháng vừa qua.

Tuy nhiên, giống như những quốc gia khác ở Đông Nam Á, biến thể Delta lây lan mạnh đã khiến số ca mắc mới ở Singapore tăng lên khoảng 1.000 ca/ngày.

Hiện tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Singapore đạt 82% dân số. Trong số những người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc COVID-19 ghi nhận trong giai đoạn từ ngày 1/5-16/9, chỉ có 0,09% phải chuyển sang khu điều trị tích cực hoặc tử vong. Tỷ lệ này ở những người chưa tiêm phòng là 1,7%.

80% dân số Malaysia trên 18 tuổi đã hoàn thành tiêm chủng

Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, 80% dân số Malaysia trên 18 tuổi đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Khairy cho biết quốc gia Đông Nam Á đạt tỷ lệ tiêm chủng trên vào 13h ngày 21/9 và Ủy ban Đặc biệt đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 (JKJAV) sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm đảm bảo 20% người trưởng thành còn lại hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Ngày 21/9, Malaysia ghi nhận thêm 15.759 người mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 2.127.934./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục