Các nước Đông Âu "chật vật" phục hồi kinh tế

Các số liệu kinh tế quí II của 9 nước Đông Âu cho thấy con đường phục hồi kinh tế còn nhiều trắc trở với sự phân hóa rõ rệt về mức độ.
Các nước Đông Âu, vốn bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu, đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế, nhưng các số liệu kinh tế quí II năm nay của 9 nước Đông Âu cho thấy con đường này còn nhiều trắc trở với sự phân hóa rõ rệt về mức độ phục hồi.

Nước có tốc độ phục hồi nhanh nhất Đông Âu là Ba Lan, với tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II đạt 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tốc độ tăng trưởng trong cả năm nay sẽ lên tới 1%.

Là nền kinh tế lớn nhất khu vực Trung và Đông Âu, từ thập niên 90 của thế kỷ 20 đến khi bùng nổ khủng hoảng tài chính, Ba Lan luôn luôn duy trì mức tăng GDP khoảng 6%, mức tăng trưởng thuộc hàng nhanh nhất ở châu Âu.

Một trong những nguyên nhân khiến Ba Lan dẫn đầu các nước Đông Âu về thực hiện mục tiêu kinh tế tăng trưởng trở lại sau khi chạm đáy, là do nước này có thị trường nội địa tương đối lớn với khoảng 40 triệu người tiêu dùng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 40% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Séc, Hungary.

Ngoài ra, nhiều năm qua, Ba Lan luôn thực thi chính sách tài chính và tiền tệ tương đối dè dặt và kiềm chế, thâm hụt tài chính và tỷ lệ lạm phát luôn ở mức tương đối thấp.

Trong khi đó, đà suy thoái vẫn tiếp tục ở 5 nước Đông Âu khác là Séc, Slovakia, Hungary, Rumani và Bulgaria, với mức suy thoái vào khoảng 5-8%. Các nước này có thị trường trong nước tương đối nhỏ, kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu với tỷ trọng xuất khẩu lên tới khoảng 70% GDP.

Bên cạnh đó, do thực thi chính sách mở cửa ngành tiền tệ cho vốn nước ngoài ở mức cao trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, hệ thống tài chính của các nước nói trên trở nên rất mỏng manh, dẫn đến đồng tiền sụt giá, thị trường cổ phiếu sa sút, nợ nước ngoài chồng chất.

Điều này dẫn tới sức ép thâm hụt tài chính hết sức nặng nề, kinh tế không thể phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực cũng đã xuất hiện, làm dấy lên hy vọng kinh tế vĩ mô của 5 nước này sẽ tăng dần. Dự báo đà xuống dốc có thể giảm dần trong những tháng còn lại của năm nay, thậm chí sẽ ổn định và tăng trưởng trở lại.

Tình hình kinh tế của 3 quốc gia vùng Baltic là Latvia, Litva và Estonia vẫn u ám, với mức suy giảm GDP đều khoảng 20%. Đây là những nước bị suy thoái nặng nề nhất thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Các nước Baltic, do hạn chế về môi trường địa lý và các nhân tố khác, đều đã lấy ngành tiền tệ, ngành địa ốc và ngành dịch vụ làm ba trụ cột của kinh tế quốc dân để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính, vốn nước ngoài rút đi đã nhanh chóng làm vỡ “bong bóng” của ngành tiền tệ và địa ốc, khiến kinh tế của ba nước sụt giảm mạnh.

Do thiếu sự nâng đỡ của ngành chế tạo và các ngành kinh tế khác, tình trạng suy thoái kinh tế của ba nước này trở nên nghiêm trọng và chặng đường phục hồi sẽ dài hơn so với các nước châu Âu khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục