Các nước kêu gọi Triều Tiên không thử tên lửa

Ngày 1/6, nhiều nước đã kêu gọi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa và từ bỏ chương trình hạt nhân để làm giảm tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 1/6, nhiều nước đã kêu gọi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa và từ bỏ chương trình hạt nhân để làm giảm tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.
 
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các quan chức quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc xác nhận có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong vài tuần tới.
 
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại sâu sắc trước nguy cơ Triều Tiên chọn "giải pháp tiêu cực", đồng thời một lần nữa kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế "những hành động khiêu khích" và quay trở lại bàn đàm phán sáu bên.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood cảnh báo nếu Triều Tiên thử tên lửa tầm xa, hành động này sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông kêu gọi Triều Tiên tuân thủ nghĩa vụ quốc tế và chấm dứt "cách hành xử mang tính khiêu khích" này.
 
Tuyên bố trên đài phát thanh, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cảnh báo Seoul "sẽ không bao giờ khoan nhượng" nếu Bình Nhưỡng chọn "con đường đe dọa quân sự và khiêu khích". Ngày 2/6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo đã triển khai tàu tuần tra cao tốc tối tân, được trang bị tên lửa hạm đối hạm, gần ranh giới với Triều Tiên ở vùng biển phía Tây Hoàng Hải nhằm đối phó với khả năng Triều Tiên tiến hành tấn công quân sự.
 
Cùng ngày, các đại sứ của năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản (Nhóm P5 + 2) tiếp tục thảo luận nghị quyết trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân ngày 25/5 và hàng loạt vụ thử tên lửa của nước này.
 
Tuy nhiên, các đại sứ của Nhóm P5 + 2 vẫn chưa thu hẹp được bất đồng về các biện pháp trừng phạt được nêu trong dự thảo nghị quyết do Tokyo và Washington đề xuất.

Các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc và Nga đã đồng ý trên nguyên tắc về sự cần thiết phải trừng phạt Triều Tiên, song chưa rõ hai nước này ủng hộ biện pháp trừng phạt nào. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Nghiệp Toại cho rằng có rất nhiều đề xuất và các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp tục.
 
Ngày 1/6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhằm thuyết phục hai nước này ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục