Các nước làm mới 'đòn bẩy' phục hồi kinh tế hậu đại dịch

Xác định du lịch là "đòn bẩy" đối với đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch, nhiều nước đã tích cực đổi mới hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách nước ngoài.
Các nước làm mới 'đòn bẩy' phục hồi kinh tế hậu đại dịch ảnh 1Diễu hành trong lễ hội Songkran ở Ayutthaya, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, ngành du lịch quốc tế đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi nhiều nước dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa biên giới.

Xác định du lịch là "đòn bẩy" đối với đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch, nhiều nước đã tích cực đổi mới hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách nước ngoài.

Thái Lan đã tạo điều kiện dễ dàng hơn để khách quốc tế có mức chi tiêu cao ở lại nước này lâu hơn, nhằm vượt qua giai đoạn nhu cầu du lịch suy yếu, khi lượng lớn du khách Trung Quốc chưa thể đến Thái Lan do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa nới lỏng chính sách phòng chống dịch, trong khi du khách từ Mỹ và châu Âu đã giảm do khủng hoảng kinh tế.

Từ tháng Chín, nhà chức trách Thái Lan bắt đầu cấp thị thực cư trú dài hạn, cho phép người nước ngoài, chủ yếu là lao động có tay nghề cao, những người có tài sản và đầu tư ở Thái Lan ít nhất 1 triệu USD và những người nghỉ hưu từ 50 tuổi trở lên có lương hưu hằng năm hoặc thu nhập ổn định, lưu trú tới 10 năm.

[Thái Lan là điểm đến được ưa thích hàng đầu tại Đông Nam Á]

Chính phủ Thái Lan hy vọng chính sách mới sẽ thu hút khoảng 1 triệu người nước ngoài trong vòng 5 năm và đem về cho “xứ sở chùa Vàng” khoảng 26 tỷ USD/năm từ các khoản đầu tư, mua nhà... Singapore, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Indonesia mới đây cũng triển khai chương trình cấp thị thực tương tự, cạnh tranh để thu hút khách nước ngoài.

Kế hoạch quảng bá du lịch năm 2023 của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho thấy rõ mục tiêu đa đạng hóa các thị trường và phân khúc khách hàng.

Thông qua chiến dịch đồng quảng cáo với các thương hiệu hàng đầu, Thái Lan chú trọng quảng bá đất nước như một điểm đến thường xuyên cho những người du lịch chữa bệnh, các gia đình có trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người vừa du lịch vừa làm việc.

Các hoạt động tiếp thị chiến lược dự kiến được triển khai tại các thị trường mới, như Saudi Arabia và các thành phố lớn của Mỹ, thông qua quan hệ đối tác với các hãng hàng không.

Kế hoạch trên cũng phù hợp với mô hình kinh tế “Xanh-Tuần hoàn-Sinh học” mà chính phủ đang thúc đẩy, nhằm vực dậy ngành du lịch theo hướng an toàn và bền vững.

Thái Lan còn có nhiều sáng kiến độc đáo để quảng bá cho ngành kinh tế trụ cột, trong đó có việc tổ chức các tour tham quan theo chủ đề sẽ diễn ra liên tục đến tháng 3/2023.

Chẳng hạn, tour du lịch “Những ngôi đền ẩn giấu”  đưa du khách khám phá các đền chùa ít được biết đến của Bangkok, tour "Chào mừng Benjakitti" thăm thú Công viên rừng Benjakitti ở trung tâm thành phố Bangkok hay "Tòa nhà cổ sống động" khám phá các tòa nhà lịch sử của thành phố.

Lần đầu tiên vượt qua Thái Lan và Malaysia về chỉ số xếp hạng du lịch trong năm nay, Indonesia đã vươn từ vị trí thứ 44 lên 32 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành, nhờ nỗ lực phục hồi “ngành công nghiệp không khói” sau thời kỳ đỉnh dịch.

Từ tháng Chín, Indonesia đã giảm 15% giá vé máy bay nội địa như một phần của kế hoạch tiếp thêm sức mạnh cho ngành du lịch.

Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia kêu gọi các hãng hàng không bổ sung các đường bay mới, trong khi giá nhiên liệu hàng không sẽ được giữ nguyên để hỗ trợ các hãng bay duy trì mức giá rẻ cho du khách.

Indonesia còn giới thiệu những món ăn truyền thống tới du khách quốc tế ngay tại cửa khẩu hàng không ở đảo du lịch Bali. Khi mua mỗi món ăn, du khách được tặng thêm một gói các gia vị khác nhau của Indonesia.

Đây là một phần trong chương trình “Thêm gia vị cho thế giới” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và nâng cao giá trị xuất khẩu các loại gia vị nổi tiếng lên 2 tỷ USD.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty phát trực tuyến Netflix (Mỹ) nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa của quốc gia Đông Nam Á này tới khán giả toàn cầu.

Năm tới, Indonesia sẽ phân bổ 22.400 tỷ rupiah (gần 1,5 tỷ USD) từ ngân sách nhà nước để phát triển 5 điểm đến du lịch siêu ưu tiên.

Trong khi đó, Lào thu hút khách du lịch quốc tế bằng cách khuyến khích du lịch chậm và thân thiện với môi trường.

Du lịch chậm chỉ cách đi du lịch có ý thức hơn, ở đó du khách đắm mình vào văn hóa, ẩm thực, âm nhạc và con người địa phương, với những kỷ niệm khó quên, thay vì chỉ ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương.

Theo tạp chí National Geographic, Lào là điểm đến đầu tiên được đánh giá cao vì những nỗ lực bảo tồn; những đổi mới trong du lịch sinh thái, bền vững và du lịch hòa nhập; những biện pháp có ý nghĩa để khách du lịch nhớ đến và trở lại.

Lào đã được tạp chí uy tín trên bình chọn vào danh sách 5 địa điểm thích hợp nhất cho du lịch chậm và là quốc gia châu Á duy nhất góp mặt trong bảng xếp hạng mới của National Geographic.

Tạp chí này cũng đã bình chọn Lào là một trong 25 địa điểm du lịch nên ghé thăm vào năm 2023.

Với Mexico, quốc gia được Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới (WTTC) đánh giá có tốc độ phục hồi du lịch sau đại dịch hàng đầu thế giới, nhiều hoạt động xúc tiến du lịch đã được triển khai, trong đó có việc thực hiện Chiến lược quốc gia mới về du lịch nhằm thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững và đóng góp 6% vào tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Chiến lược bao gồm tăng cường đầu tư nhằm tăng chi tiêu của du khách, nỗ lực biến du lịch thành một ngành sinh lợi hơn cho người dân sống ở các vùng khó khăn và triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy du lịch sang khu vực Đông Nam đất nước.

Tuyến đường sắt Maya với kinh phí ước tính ban đầu là 150 tỷ peso Mexico (7,8 tỷ USD) sẽ kết nối các điểm đến nổi tiếng như thành phố Cancun với những khu vực vốn có doanh thu thấp từ du lịch, cho phép du khách đến thăm nhiều địa điểm đa dạng, phong phú hơn, đồng thời giúp xóa đói giảm nghèo cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Các nước làm mới 'đòn bẩy' phục hồi kinh tế hậu đại dịch ảnh 2Một khu phố thu hút nhiều du khách quốc tế tại trung tâm thủ đô Mexico City. (Ảnh: Phi Hùng/TXVN)

Theo Bộ trưởng Du lịch Mexico Miguel Torruco, kết nối hàng không là chìa khóa để kích cầu du lịch.

Mới đây, Mexico đã khánh thành sân bay quốc tế Felipe Ángeles, nâng cấp sân bay ở thành phố Chetumal, bang Quintana Roo, và đang nghiên cứu để xây dựng một sân bay ở thành phố Tulum cũng ở bang này.

Trong khi đó, tận dụng lợi thế khí hậu ấm áp quanh năm, Hy Lạp mở chiến dịch quảng bá nhằm thu hút khách du lịch muốn tìm kiếm ánh nắng Mặt Trời, nhất là khách châu Âu đang vật lộn với chi phí sưởi ấm tăng vọt do tác động của xung đột tại Ukraine.

Nhiệt độ của quốc gia Địa Trung Hải này trong tháng 11 vào khoảng 20 độ C - mức nhiệt lý tưởng đối với người châu Âu. Chính phủ Hy Lạp đã chi 20 triệu euro (21 triệu USD) để phát động chiến dịch quảng bá du lịch nhắm đến những người đã nghỉ hưu ở châu Âu.

Xứ sở của các vị thần cũng đang xúc tiến kế hoạch quảng bá hình ảnh đất nước là điểm đến lý tưởng của du khách bất kể thời điểm nào trong năm.  
Năm 2022, thế giới một lần nữa nhận thấy những cơ hội lớn mà du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến cho người dân toàn cầu, song thế giới cũng nhận ra rằng không thể trở lại cách làm cũ, mà cần tư duy lại về du lịch sau đại dịch.

“Tư duy lại về du lịch” cũng là chủ đề Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO)  đưa ra nhân Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm nay.

Trong bối cảnh ngành du lịch đang tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng, UNWTO đã đưa ra một lộ trình chuyển đổi, trong đó có 5 ưu tiên cần giải quyết.

Đó là xử lý khủng khoảng và giảm thiểu những tác động kinh tế-xã hội đối với sinh kế; tăng sức cạnh tranh và tính bền vững để hỗ trợ sự phát triển của cơ sở hạ tầng du lịch và dịch vụ chất lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại địa phương, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, đồng thời quảng bá du lịch trong nước và khu vực nếu có thể; thúc đẩy đổi mới và số hóa hệ thống kinh tế du lịch; thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; chú trọng điều phối và hợp tác để chuyển đổi du lịch và đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Lộ trình chuyển đổi trên cùng kinh nghiệm của các nước là bài học hữu ích để Việt Nam phục hồi ngành du lịch, đưa du lịch trở lại là đòn bẩy phục hồi kinh tế và phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục