Các nước Mỹ Latinh đánh giá cao đường lối đối ngoại của Việt Nam

Với chính sách Ngoại giao Cây tre, Việt Nam đã rất thành công trong việc duy trì mối quan hệ hiệu quả với các cường quốc, đồng thời vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tại thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tại thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sự tương đồng về đường lối ngoại giao chính là sợi dây gắn kết quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh trong suốt tiến trình lịch sử.

Đó là tính kiên định, nhất quán trong việc áp dụng những nguyên tắc đối ngoại, song luôn cởi mở và thích ứng trước những thay đổi của tình hình thế giới.

Đây là nhận định của chính khách và giới truyền thông Mỹ Latinh nhân dịp Việt Nam tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

Sự kiện không chỉ định hướng cho công tác của ngành ngoại giao trong những năm tới, mà còn là một bước chuẩn bị cho tổng kết 40 năm triển khai đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ông Alfredo Femat Bañuelos, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Mexico-Việt Nam cho biết kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 ở thời điểm Việt Nam vừa giành được độc lập, hai quốc gia đã không ngừng duy trì và thắt chặt mối quan hệ trên mọi mặt, dù nhiều biến động trên thế giới.

Đặc biệt, việc Mexico thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ là một bước tiến quan trọng khẳng định chủ quyền và quyền tự quyết của cả Mexico và Việt Nam, qua đó góp phần khẳng định và củng cố nền độc lập của Việt Nam, đồng thời nêu bật vai trò của Mexico và các quốc gia Mỹ Latinh trên trường quốc tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico, sự kết nối bền chặt giữa Mexico và Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho những nguyên tắc và giá trị mà hai nước cùng chia sẻ, trong đó bao gồm sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, sự tương đồng về đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ, cũng như sự tương đồng về bề dày lịch sử của văn hóa dân tộc - yếu tố góp phần đưa nhân dân hai nước đến gần nhau hơn.

ttxvn-hoi-nghi-ngoai-giao-nguyen-phu-trong-6235.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đề cập tới những thành tựu của ngoại giao Việt Nam, ông Alfredo Femat Bañuelos khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn đã góp phần tô đậm vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là một quốc gia có nhiều đóng góp cho thế giới.

Tương tự, hoạt động ngoại giao hiệu quả cũng góp phần đưa hình ảnh một Việt Nam tích cực đến bạn bè 5 châu, đó là một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc, một quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc và một quốc gia tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Trong khi đó, với ông Pedro Gellert, nhà báo kỳ cựu của tờ Regeneración, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Phong trào Tái thiết Quốc gia (MORENA) cầm quyền tại Mexico, một trong những đóng góp quan trọng mà ngành ngoại giao Việt Nam mang lại trong nhiều năm qua chính là cho thế giới biết đến một Việt Nam kiên định đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội cùng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội đáng khích lệ.

Là một chuyên gia về truyền thông và có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, nhà báo Pedro Gellert khẳng định rằng tương tự như nhiều quốc gia Mỹ Latinh, chính sách đối ngoại của Việt Nam được phát triển từ chính sách đối nội, trong đó bao gồm việc tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, duy trì đối thoại, giải quyết hòa bình những khác biệt giữa các quốc gia và quan hệ dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Từ Venezuela, nhà báo Ángel Miguel Bastidas González của tờ Correo del Orinoco đề cao ý nghĩa chính sách Ngoại giao Cây tre của Việt Nam, nhấn mạnh rằng với chính sách này, Việt Nam đã rất thành công trong việc duy trì mối quan hệ hiệu quả với các cường quốc, đồng thời vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia.

Theo nhà báo từng có thời gian công tác trong phái đoàn ngoại giao Venezuela tại Việt Nam, những nguyên tắc chỉ đạo cốt lõi của chính sách Ngoại giao Cây tre của Việt Nam là lợi ích quốc gia, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại.

Những nguyên tắc này xuất phát từ tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nền tảng cho đường lối đối ngoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục