Năm tháng sau khi các nước đạt được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lịch sử, ngày 16/5, giới chức ngoại giao các nước thành viên thuộc Liên hợp quốc đã khởi động vòng đàm phán mới với mục tiêu biến văn kiện trên thành kế hoạch hành động mang tính khả thi.
Phát biểu khai mạc phiên họp dự kiến kéo dài 10 ngày tại thành phố Bonn của Đức, Tổng Thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Christiana Figueres nhấn mạnh "cả thế giới đều đồng lòng thực hiện những cam kết đối với các mục tiêu toàn cầu được nêu trong Hiệp định Paris," và "giờ đây chúng ta cần phải vạch ra lộ trình chi tiết cho con đường hướng đến một tương lai an toàn, thịnh vượng và không ảnh hưởng đến khí hậu mà tất cả chúng ta mong muốn."
Giới chuyên gia nhận định một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của Liên hợp quốc là dàn xếp để thúc đẩy các kế hoạch quốc gia trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon độc hại, trong bối cảnh các nước đang phát triển lo ngại việc các nước giàu cam kết đầu tư 100 tỷ USD/năm bắt đầu từ năm 2020 sẽ chỉ giải quyết được những hậu quả của biến đổi khí hậu, thay vì đưa ra các biện pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bộ trưởng Môi trường Maldives kiêm Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) Thoriq Ibrahim nhấn mạnh "câu hỏi duy nhất là liệu chúng ta có hợp tác đủ nhanh và dứt khoát để tránh được những thảm họa lớn".
Dự kiến vòng đàm phán mới về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc sẽ kéo dài đến ngày 26/5, trong đó cũng sẽ đặt ra những nhiệm vụ tiếp theo cho cuộc họp cấp cao được tổ chức vào tháng 11 tới tại thành phố Marrakesh của Maroc.
Ngày 22/4 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), đại diện của 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, đã tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vốn được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Theo đó, các nước tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850).
Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn./.