Các nước thành viên IEA nhất trí hành động bảo đảm an ninh năng lượng

Giám đốc điều hành IEA Fatih Biro cho biết trước nguy cơ căng thẳng có thể leo thang, các quốc gia thành viên IEA nhất trí “tiếp tục hành động đoàn kết để bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu."
Các nước thành viên IEA nhất trí hành động bảo đảm an ninh năng lượng ảnh 1Giếng dầu South Pars tại cảng Assaluyeh của Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ngày 25/2 đã cam kết sẽ bảo vệ an ninh năng lượng toàn cầu, sau cuộc họp thảo luận về tình hình căng thẳng Nga-Ukraine.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp giữa các đại diện của 31 nước thành viên của tổ chức, IEA cho biết: "Chúng tôi đã đánh giá việc xung đột quân sự của Nga và Ukraine sẽ làm gia tăng những lo ngại trên thị trường và sự biến động của giá năng lượng như thế nào, trong bối cảnh thị trường toàn cầu đã thắt chặt từ trước đó.”

Giám đốc điều hành của IEA, ông Fatih Birol, cho biết cuộc họp đã thảo luận các phương án mà IEA có thể thực hiện trong thời gian tới. Ông cho biết trước nguy cơ căng thẳng có thể leo thang, các quốc gia thành viên IEA nhất trí “tiếp tục hành động đoàn kết để bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu."

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết Mỹ đang làm việc với các nước khác về việc cùng giải phóng thêm dầu từ các kho dự trữ chiến lược trên toàn cầu sau khi giá dầu trên thị trường quốc tế tăng lên đến 105 USD/thùng.

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã mở kho dự trữ chiến lược, "xả" khoảng 50 triệu thùng dầu cùng lúc với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.

Giá dầu Brent tăng gần 5% trong tuần qua do căng thẳng Nga-Ukraine

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 25/2, thu hẹp đà tăng trong tuần qua, khi giới đầu tư tiếp tục theo dõi những diễn biến tại Ukraine.

Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư giảm 1,22 USD, hay 1,3%, xuống 91,59 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 1,15 USD, hay 1,2%, và đóng phiên ở mức 97,93 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 1,5%, còn giá dầu Brent tăng 4,7%, theo số liệu của Dow Jones Market Data.

Giá dầu giảm xuống sau các bài báo, dẫn tóm tắt cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình do Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp, cho biết Nga sẵn sàng tiến hành đàm phán với Ukraine. Dù vậy, không có nhiều chi tiết xung quanh thông tin này và giới đầu tư vẫn thận trọng.

Giá dầu đã tăng liên tiếp bốn phiên trước đó trong tuần này trước sự bất ổn giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung.

[Nghị sỹ Mỹ kêu gọi Tổng thống Biden giải phóng dầu từ kho dự trữ]

Đáng chú ý là diễn biến trong phiên 24/2, khi giá dầu Brent có lúc trên mức 105 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Phiên này, Giá dầu Brent và WTI lần lượt đạt mức cao nhất kể từ tháng Tám và tháng Bảy năm 2014.

Nhưng sau đó, cũng trong phiên 24/2, giá dầu đã phần nào hạ nhiệt. Nhà phân tích về năng lượng tại công ty nghiên cứu Commerzbank Research (Đức) Carsten Fritsch cho rằng gần như sự hoảng loạn trên thị trường do sự leo thang căng thẳng Nga-Ukraine đã lắng xuống, khi thực tế là các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà các nước phương Tây đã nhất trí cho đến nay sẽ không thể ảnh hưởng đến các nguồn cung năng lượng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự lắng dịu của thị trường có thể là tạm thời khi những yếu tố không chắc chắn vẫn còn. Ông Fritsch cho rằng Nga có thể đáp trả các biện pháp trừng phạt bằng việc giảm lượng dầu giao theo thỏa thuận riêng.

Nếu Nga phản ứng bằng cách giảm xuất khẩu năng lượng, giá dầu có thể tăng mạnh trở lại. Điều này cũng sẽ khiến thị trường hướng sự chú ý đến các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran được dỡ bỏ, Iran có thể sẽ nhanh chóng bổ sung thêm 1,5-2 triệu thùng dầu /ngày cho thị trường.

Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ nhóm họp vào ngày 2/3 tới để quyết định các mức sản lượng cho tháng Tư.

Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của tập đoàn ngân hàng và dịch vụ tài chính ING (Hà Lan), cho biết sự bất ổn tại Ukraine gia tăng vào đúng thời điểm khi thị trường dầu đã thắt chặt từ trước đó càng khiến cho thị trường này dễ bị tổn thương hơn nữa, và vì thế, giá dầu có thể sẽ vẫn biến động và tiếp tục xu hướng đi lên.

Các nước thành viên IEA nhất trí hành động bảo đảm an ninh năng lượng ảnh 2Tàu chở khí hóa lỏng Ob River trên vùng Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết: "Một yếu tố có thể đóng vai trò như một cái ‘phanh’ tạm thời đối với giá dầu là thỏa thuận hạt nhân Iran, với tin đồn đang lan truyền rằng một thỏa thuận mới có thể được công bố.”

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận những lo ngại về Ukraine và những kệ lụy của nó sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu vốn vẫn đang ở trạng thái “mua ở đáy” một cách mạnh mẽ.

Ngoài ra, việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) vẫn chật vật tìm cách đảm bảo hạn ngạch sản xuất - một yếu tố đã tạo ra thâm hụt năng lượng nghiêm trọng trên toàn cầu - cũng hỗ trợ giá đi lên.

Trên thế giới nguồn cung dầu vẫn khan hiếm do nhu cầu phục hồi từ mức thấp của đại dịch. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu Brent có khả năng duy trì trên 100 USD/thùng cho đến khi có nguồn cung thay thế đáng kể từ dầu đá phiến của Mỹ hoặc Iran.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo về áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu nếu giá dầu lên 100 USD/thùng, đặc biệt là đối với châu Á, nơi nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng.

Nhà kinh tế Frederic Neumann của HSBC cho biết: “Gót chân Achilles của châu Á vẫn là nhu cầu nhập khẩu lớn đối với năng lượng, giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân trong năm tới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục