Các nước Trung Âu bất đồng do nguồn cung năng lượng từ Nga

Cộng hòa Séc và Slovakia đã cam kết giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong khi Hungary có cách tiếp cận thận trọng hơn.
Các nước Trung Âu bất đồng do nguồn cung năng lượng từ Nga ảnh 1Một nhà máy lọc dầu tại Gubkinsky, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nước ở khu vực Trung Âu ngày 12/4 đã bất đồng về việc có nên cắt nguồn cung năng lượng quan trọng của Nga khi các ngoại trưởng của họ gặp nhau ở ngoại ô Prague.

Việc đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng đã trở thành vấn đề nóng trên toàn Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2.

Năm 2021, Nga cung cấp 45% lượng than nhập khẩu của EU, 25% lượng dầu nhập khẩu và khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu. Hydrocarbon là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Nga và EU là khách hàng lớn nhất của nước này.

Ở sườn phía Đông của khối, Cộng hòa Séc và Slovakia đã cam kết giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên, Hungary có cách tiếp cận thận trọng hơn.

[Tập đoàn Gazprom tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga cho châu Âu]

“Chúng tôi có ranh giới đỏ rõ ràng là an ninh năng lượng của Hungary," Ngoại trưởng Peter Szijjarto nói sau khi gặp những người đồng cấp Áo, Séc, Slovakia và Slovenia tại một lâu đài.

Ông Szijjarto cho biết Hungary đã ủng hộ tất cả các gói trừng phạt của EU nhưng "chúng tôi không thể tham gia” các lệnh trừng phạt dầu khí.

Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia, Ivan Korcok cho biết nước này đã sẵn sàng ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga nhưng nhấn mạnh điều đó sẽ mất thời gian.

Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky tuyên bố sẽ đẩy nhanh cuộc tranh luận khi nước này đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7 vì "thu nhập của Nga từ thương mại với EU phải được giảm thiểu."

Tập đoàn điện lực nhà nước Séc CEZ ngày 12/4 cho biết họ sẽ thay thế nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Nga cho hai nhà máy của họ bằng các nhà cung cấp của Mỹ và Pháp vào năm 2024.

Ba Lan, nước không tham gia cuộc họp ngày 12/4, hy vọng sẽ không phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ năm tới, và cuối cùng thoát khỏi sự phụ thuộc nguồn cung dầu mỏ từ Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục