Các nước vùng Vịnh quan ngại về dự luật liên quan đến vụ 11/9

Các nước vùng Vịnh đã bày tỏ quan ngại về một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua theo đó cho phép gia đình của các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Chính phủ Saudi Arabia
Các nước vùng Vịnh quan ngại về dự luật liên quan đến vụ 11/9 ảnh 1Vụ khủng bố 11/9. (Nguồn: Reuters)

Ngày 12/9, các nước vùng Vịnh đã bày tỏ quan ngại về một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua theo đó cho phép gia đình của các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Chính phủ Saudi Arabia để đòi bồi thường về những mất mát mà họ phải chịu đựng.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Abdullatif al-Zayani cho biết cả 6 quốc gia thành viên của GCC (gồm Bahrain, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất), trong đó Saudi Arabia là thành viên quyền lực nhất, đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" trước việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép công dân nước này kiện Riyadh.

Ông al-Zayani cho rằng dự luật này "vi phạm nền tảng và nguyên tắc của mối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là sự miễn trừ tư pháp quốc gia", đồng thời bày tỏ hy vọng Chính quyền Washington "sẽ không chấp thuận dự luật này khi có thể tạo ra một tiền lệ nghiêm trọng."

Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật mang tên "Công lý chống bảo trợ hành động khủng bố" (JASTA) chỉ 2 ngày trước khi nước Mỹ tưởng niệm 15 năm ngày xảy ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9, cướp đi sinh mạnh của khoảng 3.000 người.

Dự luật này trước đó cũng đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5 vừa qua. Theo đó, văn kiện này cho phép những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố kiện các chính phủ nước ngoài tại tòa án liên bang Mỹ và đòi bồi thường nếu các chính phủ đó bị chứng minh phải chịu trách nhiệm trong các cuộc tấn công khủng bố trên đất mỹ. Nếu trở thành luật, JASTA sẽ xóa bỏ quyền miễn trừ tư pháp quốc gia cũng như việc cấm kiện chính phủ hay các quốc gia bị nghi ngờ có liên quan đến các vụ tấn công khủng bố tại Mỹ.

Nhà Trắng đã để ngỏ khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ không ký phê chuẩn dự luật trên. Tuy nhiên, trong trường hợp tổng thống sử dụng quyền phủ quyết JASTA, Hạ viện và Thượng viện Mỹ có thể yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu về quyền phủ quyết và nếu giành được 2/3 số phiếu ủng hộ tại mỗi viện, quyền phủ quyết của tổng thống sẽ bị đảo ngược.

Mặc dù là một đồng minh lâu năm của Mỹ, song Saudi Arabia lại là quê hương của 15 trong số 19 tên không tặc tham gia vào vụ tấn công khủng bố nhằm vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới tại New York (Mỹ), Lầu Năm Góc và Pennsylvania cách đây 15 năm. Chính phủ Saudi Arabia đã phủ nhận các cáo buộc liên quan đến vụ việc này và nhiều lần vận động hành lang phản đối dự luật trên. Giới quan sát nhận định nếu được ký thành luật, JASTA có thể khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục