Các phe phái đối lập tại Sudan nối lại hòa đàm hòa bình

Các bên dự kiến sẽ thảo luận các nội dung liên quan chính trị, an ninh và tiếp cận nhân đạo, ngoài ra, vấn đề về chia sẻ quyền lực nhiều khả năng cũng sẽ được giải quyết.
Các phe phái đối lập tại Sudan nối lại hòa đàm hòa bình ảnh 1Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tuần tra tại thị trấn Abyei, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 11/12, Chính phủ Sudan và các nhóm phiến quân đã khởi động vòng đàm phán hòa bình mới, mở ra hy vọng về khả năng đạt được một thỏa thuận chấm dứt nhiều năm xung đột trong 2 tuần tới.

Các bên dự kiến sẽ thảo luận các nội dung liên quan chính trị, an ninh và tiếp cận nhân đạo. Ngoài ra, vấn đề về chia sẻ quyền lực nhiều khả năng cũng sẽ được giải quyết. Trong vòng đàm phán trước đó, các bên đã đồng ý ngừng bắn vĩnh viễn.

Các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức tại Nam Sudan bắt đầu từ tháng 10/2019 nhằm chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu giữa phiến quân và lực lượng của chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Omar al-Bashir ở các bang Darfur, Blue Nile và Nam Kordofan.

[Sudan sẽ khó hoàn tất thỏa thuận hòa bình trong năm nay]

Trước đây, Liên minh châu Phi đã làm trung gian hòa giải nhiều vòng đàm phán giữa các bên tại Sudan nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu lạc quan đã xuất hiện kể từ khi chính phủ chuyển tiếp của Thủ tướng Abdalla Hamdok chính thức hoạt động, trong đó một trong những ưu tiên hàng đầu là thiết lập lại hòa bình tại những khu vực trên.

Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp, người đứng đầu phái đoàn Chính phủ Sudan, ông Mohamed Hamdan Dagalo, cho biết đã được ủy quyền của Thủ tướng Hamdok để đàm phán thỏa thuận hòa bình với các nhóm phiến quân. Ông khẳng định thành công của vòng đàm phán này sẽ giúp chấm dứt bất hạnh và đau khổ cho người dân Sudan.

Trong khi đó, lãnh đạo Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan - chi nhánh phía Bắc (SPLM-N) Abdal Aziz Alhilu bày tỏ hy vọng cuộc đối thoại lần này sẽ đạt được những kết quả tích cực.

Cuộc xung đột ở phía Tây Darfur nổ ra từ năm 2003, khi phiến quân có nguồn gốc châu Phi nổi dậy chống lại Chính phủ Arab của cựu Tổng thống Bashir, với cáo buộc chính quyền đã không có những chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp cho khu vực.

Chính quyền Tổng thống Bashir đã thực hiện chính sách “bàn tay sắt” đối với các nhóm phiến quân thiểu số, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người đã buộc phải di rời, chạy trốn bạo lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục