Các thị trường mới nổi sẽ định hình châu Phi năm 2020

Kể từ năm 2006, xuất khẩu của khu vực phía Nam Sahara châu Phi sang Mỹ đã giảm 66%, trong khi xuất khẩu của khu vực này sang các nước như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lần lượt tăng gấp 2-3 lần.
Các thị trường mới nổi sẽ định hình châu Phi năm 2020 ảnh 1Tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Port Elizabeth của Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang mạng weforum.org (Diễn đàn Kinh tế thế giới) ngày 18/2 đăng bài phân tích khẳng định thương mại và đầu tư của các thị trường mới nổi vào châu Phi sẽ định hình nền kinh tế của lục địa này năm 2020.

Trong những năm gần đây, khu vực phía Nam Sahara châu Phi ngày càng dần thay thế những người bạn cũ như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bằng những đối tác mới thuộc nhóm các thị trường mới nổi.

Kể từ năm 2006, xuất khẩu của khu vực phía Nam Sahara châu Phi sang Mỹ đã giảm 66%, trong khi xuất khẩu của khu vực này sang các nước như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lần lượt tăng gấp 2-3 lần.

Sự chuyển dịch quan hệ đối tác này diễn ra trong bối cảnh châu Phi bắt đầu một kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng triển vọng của Khu vực Thương mại Tự do châu Phi (AfCFTA) - hiệp định thương mại tự do mang tính bước ngoặt sẽ bước vào giai đoạn thực thi kể từ năm 2020, cũng như tăng cường mở cửa thị thực và hài hòa chính sách tiền tệ thông qua đồng tiền Eco mới của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).

[Châu Phi - Tài sản giá trị trong quỹ đạo địa chính trị của Nga]

Các nước châu Phi có thể và nên bắt đầu thập kỷ này bằng cách tận dụng tiến trình trên để chuyển từ ngoại giao ứng phó sang ngoại giao chủ động bằng cách xây dựng mối quan hệ mới với các thị trường mới nổi quan trọng.

Thay vì thế kỷ 21 các nước tranh giành châu Phi, năm 2020 đánh dấu sự khởi đầu của các quan hệ đối tác thế kỷ 21.

Trong năm 2020, các nước châu Phi nên chuyển hướng tìm kiếm đối tác tại các thị trường mới nổi để ổn định triển vọng tăng trưởng khi các nền dân chủ phương Tây truyền thống đang định hướng trong bối cảnh chính trị mới.

Cho đến nay, câu chuyện Trung Quốc-châu Phi đã được ghi nhận nhưng Trung Quốc không phải là thị trường mới nổi duy nhất nhận ra lợi ích của việc tăng cường can dự với châu Phi.

Các nhà đầu tư từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện đang tài trợ 1/3 cho các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như tạo ra hơn một nửa trong tổng số việc làm và vốn đầu tư trong khu vực.

Những thay đổi trong cán cân thương mại đánh dấu sự khởi đầu của việc chuyển dịch quan hệ đối ngoại của châu Phi. Sự dịch chuyển này cho thấy năm 2020, việc phát triển của các liên minh mới sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và sự không chắc chắn về chính sách ở Anh sau các cuộc đàm phán Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.

Giai đoạn 2014-2018, UAE đã đầu tư vào châu Phi hơn 25,3 tỷ USD và khối lượng giao dịch phi dầu mỏ giữa Dubai và lục địa này đã tăng lên 37,2 tỷ USD vào năm 2018.

Nhờ có sự gần gũi về mặt địa lý, UAE đã định vị nước này với vai trò là một cửa ngõ đến châu Phi theo nhiều hướng. Emirates là một trong những hãng hàng không hàng đầu của UAE có số điểm đến châu Phi lớn nhất trên thế giới.

Trong khi đó, nhà điều hành hậu cần DP World vận hành, phát triển và quản lý 7 nhà ga hàng hải và nội địa ở châu Phi, bao gồm cầu cảng container tấp nập nhất tại Senegal và các cơ sở ở Ai Cập, Mozambique, Rwanda và Somaliland.

Trong khi đó, Dubai đã củng cố vai trò là một điểm giao thoa trung tâm giữa Trung Đông, châu Á và châu Phi với nhiệm vụ là nhà tái xuất khẩu hàng hóa lớn sang "lục địa Đen."

Năm 2020, thương mại UAE-châu Phi có thể sẽ tiếp tục quỹ đạo đi lên nhờ tác động tích cực của Expo 2020, sự kiện kéo dài 6 tháng sẽ quy tụ hơn 190 quốc gia nhằm thúc đẩy chia sẻ kiến thức và hợp tác.

Liên minh châu Phi (AU) sẽ dẫn đầu một phái đoàn của các nước châu Phi tham gia triển lãm tại Hội chợ triển lãm Expo 2020, tạo cơ hội cho các quốc gia thành viên giới thiệu về các cơ hội thương mại và đầu tư mới.

Những bước tiến kinh tế gần đây và sự lên ngôi của tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ đã đưa nước này trở thành một đối tác thương mại khả thi với chuyên môn kỹ thuật, góp phần thúc đẩy thương mại với châu Phi từ 1 tỷ USD năm 1995 lên gần 60 tỷ USD hiện nay.

Sự gắn kết kinh nghiệm bởi đã từng dưới ách thực dân, châu Phi và Ấn Độ là những đối tác thương mại tự nhiên có sự tương đồng về ngôn ngữ, luật pháp và thương mại, cũng như sự hiện diện mạnh mẽ của hơn 3 triệu người Ấn Độ ở châu Phi với quan hệ tiếp nối giữa các thế hệ.

Châu Phi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu thô và khoáng sản sang Ấn Độ và nhập khẩu dầu mỏ tinh chế, dược phẩm và phương tiện đi lại. Những mặt hàng này chiếm gần 40% xuất khẩu của Ấn Độ sang châu Phi.

Đặc biệt, trong lĩnh vực dược phẩm, các công ty Ấn Độ đã thiết lập lợi thế cạnh tranh và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm giá thuốc HIV/AIDS và thuốc viêm màng não A.

Tuy nhiên, các công ty Ấn Độ không chỉ chiếm lĩnh thị trường địa phương mà còn đầu tư vào tiềm năng của châu Phi.

Chẳng hạn, mới đây, mPharma - khởi nghiệp công nghệ y tế Ghana - đã nhận được một loạt tài trợ từ Unbound Ventures, chi nhánh VC của Văn phòng Bharti Mittal Family-Ấn Độ, vốn nổi tiếng ở châu Phi thông qua nhà điều hành mạng di động Airtel.

Do môi trường pháp lý và kinh tế Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng với nhiều quốc gia châu Phi hơn so với Thung lũng Silicon hay London, trao đổi về kiến thức và vốn tại các diễn đàn như tại Diễn đàn Doanh nhân Ấn Độ-châu Phi có thể sẽ phát triển giữa hai khu vực trong năm tới.

Một thị trường thứ ba có khả năng tăng cường can dự tại châu Phi là Nga, nước hiện đang tìm cách can dự với châu lục này một cách chiến lược hơn sau nhiều thập kỷ thoái trào kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Điện Kremlin hiện đang tái tập trung những nỗ lực như đã được nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi 2019 gần đây. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo châu Phi tại hội nghị trên, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tìm cách tăng gấp đôi kim ngạch thương mại Nga-châu Phi trong 5 năm tới.

Theo truyền thống, phần lớn đầu tư của Nga vào châu Phi tập trung ở Bắc Phi. Năm 2017, kim ngạch thương mại của Nga với châu Phi đạt 17 tỷ USD và 78% số đó là với các nước Bắc Phi.

Tuy nhiên, sự can dự của Nga đã mở rộng tới khu vực phía Nam Sahara châu Phi. Chẳng hạn như Công ty Đường sắt Nga đã ký bai bản ghi nhớ với Nigeria và Congo, trong khi Tập đoàn URALCHEM chuyên về sản xuất sản phẩm hóa chất và tập đoàn đa lĩnh vực Grupo Opaia SA của Angola đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng một doanh nghiệp sản xuất phân đạm ở Angola.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất, các bên đã ký kết tổng cộng 92 thỏa thuận, hợp đồng và bản ghi nhớ trị giá 16,4 tỷ USD, tập trung vào vận tải và hậu cần, dầu khí, khoáng sản và ngân hàng cũng như các lĩnh vực khác.

Năm 2020, các quốc gia châu Phi cần xây dựng nền tảng cho các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ đã được gây dựng trong những năm gần đây với các đối tác thị trường mới nổi như Nga, Ấn Độ và UAE.

Trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ mức dự báo tăng trưởng châu Phi thấp hơn trước đó do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Brexit và tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, việc thu hút mạng lưới đối tác rộng lớn hơn sẽ rất quan trọng đối với châu Phi nhằm đạt được các kế hoạch đầy tham vọng cho các năm 2020, 2025 và 2030 do một loạt nước đặt ra và các nền kinh tế lớn trong khu vực này đều sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục