Các thỏa thuận thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương

Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động nhất về kinh tế và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Các thỏa thuận thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Tokyo, Nhật Bản ngày 8/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tân Hoa Xã vừa có bài phân tích nhận định châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động nhất về kinh tế và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu trong gần một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu nhằm duy trì đà tăng trưởng của khu vực.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là thúc đẩy tự do thương mại trong bối cảnh đang nổi lên những quan điểm chống toàn cầu hóa và chống bảo hộ thương mại.

Tác giả của bài viết trên dẫn kết quả cuộc khảo sát hàng năm của Hiệp hội Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) cho thấy chủ nghĩa bảo hộ gia tăng được coi là "nguy cơ hàng đầu đối với sự tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương."

Bởi vậy, việc hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương cần được đặt là trọng tâm.

Theo bài viết, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có thể giải quyết những hoài nghi về các lợi ích của toàn cầu hóa bằng cách bổ sung vào hoạt động thương mại một cơ chế thiết thực dành cho các chính sách xã hội như giáo dục, mạng lưới an sinh xã hội và thị trường lao động.

Thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế thành viên APEC, và khái niệm FTAAP ngày càng được chấp nhận như một mô hình lý tưởng để thúc đẩy thương mại toàn cầu và hội nhập khu vực.

Trên thực tế, FTAAP không phải là một ý tưởng mới. Kế hoạch này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2004 và được đưa vào bản tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC năm 2006.

Trong cuộc họp APEC năm 2014 tại Bắc Kinh, các nền kinh tế thành viên APEC đã đẩy mạnh tiến trình FTAAP và phác thảo lộ trình cho khu vực này.

Với việc kết nạp 21 nền kinh tế APEC thông qua việc tự do hóa thương mại và đầu tư, FTAAP, ngay khi được thiết lập, sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 40% dân số thế giới, một nửa nền thương mại toàn cầu và 60% thương mại thế giới.

PECC cho rằng FTAAP là một lựa chọn chiến lược cho sự thịnh vượng lâu dài của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giúp đảm bảo về thể chế cho nền kinh tế mở của khu vực.

[11 nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương đã đạt ''thỏa thuận căn bản'']

So với các kế hoạch khác để hình thành một cơ chế thương mại tự do khu vực, FTAAP nhấn mạnh vào tính toàn vẹn, tìm kiếm sự hội nhập khu vực lớn hơn và có thể mở ra tiềm năng to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phân bố giàu nghèo một cách cân bằng.

Ngoài ra, với quan điểm về tiềm năng rộng lớn của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm thúc đẩy thương mại và tăng trưởng toàn cầu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các đối tác thương mại đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng thúc đẩy các cuộc đàm phán về một thỏa thuận RCEP "hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi.

10 nhà lãnh đạo ASEAN và 6 nước đối tác thương mại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết hoàn tất gói thương mại khu vực với sự có mặt của 16 quốc gia vào năm tới.

Tại hội nghị cấp cao RCEP đầu tiên bên lề hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Manila vào tháng 11 vừa qua, 16 nhà lãnh đạo RCEP đã thảo luận về hướng đi cho các cuộc đàm phán RCEP. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP kêu gọi các bộ trưởng và các nhà đàm phán tăng cường các nỗ lực vào năm 2018 nhằm giúp các cuộc đàm phán RCEP đạt được kết quả.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chủ trì hội nghị thượng đỉnh RCEP, cho biết RCEP là một thỏa thuận thương mại có thể mở ra những tiềm năng mới và định hình các quy tắc mới trong trò chơi trật tự thương mại quốc tế.

Theo số liệu của ASEAN, 16 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần một nửa dân số thế giới, 31,6% sản lượng toàn cầu, 28,5% thương mại toàn cầu và 1/5 dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu vào năm 2016.

RCEP, được khởi động vào tháng 11/2012, "tập trung vào việc làm hài hòa các quy tắc và quy định trong khu vực."

Theo ông Jayant Menon, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc hội tụ các quy định như vậy sẽ làm giảm đáng kể chi phí kinh doanh trong khu vực.

Ông cho rằng bước tiếp theo sau khi RCEP được thiết lập sẽ là mở rộng thỏa thuận này hướng tới hội nhập kinh tế khu vực thông qua FTAAP mà bao gồm tất cả 21 nền kinh tế APEC.

Ông Menon nhận định FTAAP là đề xuất duy nhất mà có thể bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục