Các tỉnh phía Nam thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch từ thế mạnh đặc thù

Phát huy thế mạnh vùng du lịch trọng điểm, nhiều địa phương Đông Nam Bộ và ĐBSCL huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo quy hoạch.

Ảnh minh họa.(Nguồn: Phan Sáu/TTXVN)
Ảnh minh họa.(Nguồn: Phan Sáu/TTXVN)

Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 18/5/2023, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, đề cập một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia.

Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, hình thành, kết nối một số cụm, cực, khu vực động lực phát triển du lịch có chất lượng, quy mô lớn, thúc đẩy, lan tỏa các lợi ích và giá trị của du lịch.

Phát huy thế mạnh các vùng du lịch trọng điểm, nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo quy hoạch.

Các địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng tại các khu du lịch quốc gia và các khu vực tiềm năng phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, Thành phố tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, tập trung vào các khu, điểm du lịch trọng điểm, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch.

Thành phố ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch.

Cùng với đó, Thành phố chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt kết nối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn và các địa phương lân cận; đầu tư, xây dựng các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ.

Thành phố triển khai Đề án phát triển Khu du lịch quốc gia Cần Giờ theo Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045.

Đề cập đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch đường thủy - một thế mạnh của đô thị sông nước, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đầu tư, phát triển được trên 70 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch.

Thành phố cũng có hơn 120 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm các tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền, ca nô, tàu gỗ nhỏ. Năm 2023 và quý 1/2024, Thành phố đã đầu tư và công bố trên 60 chương trình du lịch với hơn 20 sản phẩm mới, thuộc các loại hình du lịch thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện lộ trình phát triển du lịch Thành phố trở thành điểm đến sống động hàng đầu châu Á.

Tạo thuận lợi, đồng hành cùng nhà đầu tư lĩnh vực du lịch - dịch vụ, phát triển nhiều điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đặc sắc, đến nay, tỉnh Kiên Giang đã thu hút trên 300 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tổng vốn đầu tư khoảng 393.135 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 30/3, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí biển Hòn Thơm (thành phố Phú Quốc) với quy mô đầu tư lên tới 50.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Sun Group đầu tư, đã được khởi công.

Với nhiều hạng mục như: công viên chủ đề, thủy cung, sân khấu biểu diễn cá heo, nhạc nước, nhà hát, khu nghỉ dưỡng sinh thái..., Tổ hợp này sẽ góp thêm cho “đảo Ngọc” nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, trải nghiệm đẳng cấp, gia tăng sức hút với du khách.

Cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, có thế mạnh đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, Ủy ban Nhân dân An Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang năm 2024.

Xác định hạ tầng giao thông là nền tảng quan trọng để phát triển các ngành kinh tế, trong đó có du lịch, An Giang triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên kết các huyện, thị xã, thành phố.

Trong đó, tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án như: tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến Cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91 đi cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); Dự án xây dựng cầu Tôn Đức Thắng (kết nối từ thành phố Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng); Dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu – Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú An Giang...

Tỉnh kêu gọi đầu tư các dự án cầu Năng Gù, cầu Thuận Giang, cầu An Hòa; đồng thời phối hợp, đôn đốc triển khai thi công Dự án thành phần 1, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.

Cùng với đó, An Giang tiếp tục rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực du lịch phù hợp Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Phước, An Giang mong muốn tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... để tỉnh thực sự trở thành một trong những trung tâm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục