Đà Nẵng: Phát triển du lịch an toàn, bền vững trên đèo Hải Vân

Không chỉ nổi bật về phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, đèo Hải Vân còn đánh dấu sự giao thoa trong lịch sử giữa hai miền Bắc-Nam của Tổ quốc, trong đó nổi bật nhất là Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Cung đường trên đèo Hải Vân uốn lượn như những dải lụa vắt ngang sườn núi. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Cung đường trên đèo Hải Vân uốn lượn như những dải lụa vắt ngang sườn núi. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực đèo Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, ngắm cảnh.

Một phần vì Di tích quốc gia Hải Vân Quan đang được trùng tu gần hoàn thiện, một phần vì mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm để du khách thưởng ngoạn và ngắm cảnh tại “thiên hạ đệ nhất hùng quan” này.

Hiện, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang lên kế hoạch tổng thể để duy trì và phát triển du lịch bền vững trên đèo Hải Vân.

Lợi thế về thiên nhiên, lịch sử

Với độ cao gần 500 m so với mực nước biển, một bên là dãy núi dựng đứng, một bên là bờ biển bao la, đèo Hải Vân có vẻ đẹp mê hoặc các du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Từ trên đỉnh đèo, du khách có thể chiêm ngưỡng màu xanh bao la của núi rừng, hòa cùng màu nước biển xanh ngắt, cung đường đèo quanh co, ẩn hiện giữa những tầng mây lơ lửng.

Đèo Hải Vân càng đẹp huyền ảo vào buổi ban mai hoặc hoàng hôn, đây chính là lúc du khách có thể thả mình thư giãn trong không gian thơ mộng.

Chị Hồ Thị Cúc (28 tuổi, đến từ Quảng Bình) cho biết: “Mỗi dịp cuối tuần, tôi thường rủ gia đình, bạn bè đi đèo Hải Vân để vui chơi và trải nghiệm. Ngoài việc ngắm cảnh, mọi người còn được hít thở không khí trong lành, nếu đi vào thời điểm thích hợp thì có thể “săn mây” để có những bức ảnh tuyệt đẹp. Khi ngắm nhìn khung cảnh nơi đây, tất cả những mệt mỏi, stress trong cuộc sống sẽ được giải tỏa, tôi có thể tự do hòa mình vào thiên nhiên và thư giãn.”

Không chỉ nổi bật về thiên nhiên kỳ vĩ, đèo Hải Vân còn đánh dấu sự giao thoa trong lịch sử giữa hai miền Bắc-Nam của Tổ quốc, trong đó nổi bật nhất là Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Nằm ở đỉnh đèo Hải Vân, ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, Hải Vân Quan từng là điểm kiểm soát giao thương và phòng thủ quan trọng qua các thời kỳ phong kiến.

Sau thời gian dài bị xuống cấp, hoang phế, đến năm 2017, Hải Vân Quan được công nhận là Di tích Quốc gia.

Trên cơ sở đó, năm 2021, chính quyền thành phố Đà Nẵng phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai thực hiện dự án trùng tu di tích này với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng, trên tổng diện tích 6.500m2.

hai van quan.jpg
Trung tu cửa Hải Vân Quan. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo đề án trùng tu, hệ thống cửa Hải Vân Quan sẽ được tu bổ theo các dấu tích nguyên gốc triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng năm 1826; thay thế nền cổng lát đá thanh, hệ thống cối, tường phía trên xây gạch vồ.

Một số lô cốt thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ được giữ lại với mục đích kết nối lịch sử giữa các thời kỳ.

Đến nay, việc trùng tu Di tích Quốc gia Hải Vân Quan đã hoàn thiện hơn 95%, dự kiến đưa vào sử dụng, đón khách tham quan trong quý 2/2024.

Phát triển du lịch an toàn, bền vững

Mặc dù Hải Vân Quan chưa trùng tu hoàn thiện và chưa mở cửa đón khách, nhưng vẻ đẹp cổ kính của công trình lịch sử này hiện đang thu hút rất đông du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Vào những giờ cao điểm trong ngày, có hàng trăm lượt ôtô, xe máy của du khách lưu thông và dừng, đỗ trên đỉnh đèo để tham quan, chụp ảnh gây tình trạng lộn xộn.

Bên cạnh đó, việc nhiều du khách đi bộ qua đường để chụp ảnh, mua bán, cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước tình trạng này, cuối tháng 3 vừa qua, lực lượng chức năng Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đã lập Đoàn công tác liên ngành gồm: Ban An toàn giao thông, Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương… để khảo sát tại Di tích Quốc gia Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân.

Theo khảo sát, đây là đoạn đường đèo cong, chỉ có 2 làn xe, nhưng lại có nhiều hàng quán và nhiều xe ôtô dừng, đỗ lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đoàn công tác liên ngành đã thống nhất sẽ báo cáo, trình các cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp như: lắp biển cấm dừng, đỗ xe bên đường; sắp xếp lại khu vực dừng, đỗ xe trước các hàng quán trên đỉnh đèo; kẻ vạch liền cấm vượt trên đoạn đường đỉnh đèo; kẻ vạch cho người đi bộ băng qua đường…

Về lâu dài, hai địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng cần nghiên cứu, khảo sát xây dựng các bãi đỗ xe gần Di tích để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách khi tham quan.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, đèo Hải Vân đã đón lượng khách tham quan tăng đáng kể.

Chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo phát triển du lịch theo hướng an toàn, bền vững, không gây tổn hại đến môi trường thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Hiện nay, khu vực đèo Hải Vân và Di tích Quốc gia Hải Vân Quan cũng đã được cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch, đang trình lên các sở, ban, ngành để tham vấn ý kiến.

Sau khi quy hoạch được triển khai sẽ góp phần giải quyết vấn nạn mất an toàn về giao thông trên đèo, đồng thời, trong quy hoạch cũng xây dựng hệ thống các ki-ốt bán hàng trên đỉnh đèo Hải Vân, mang giá trị kiến trúc phù hợp với công trình Hải Vân Quan sau trùng tu.

deo hai van 3.jpg
Đèo Hải Vân nổi tiếng với những đoạn cua tay áo, cung đường uốn lượn thách thức người đam mê “xê dịch". (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc, đối với các hộ buôn bán nhỏ, lẻ dọc tuyến đường đèo, phường sẽ tổ chức vận động, đưa toàn bộ các hộ này lên đỉnh đèo Hải Vân để kinh doanh tại các ki-ốt đã được quy hoạch.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng, các doanh nghiệp du lịch để kêu gọi hình thành các tour, sản phẩm du lịch mới, kết hợp thưởng ngoạn phong cảnh, kiến trúc với tìm hiểu văn hoá, lịch sử trên địa bàn phường Hoà Hiệp Bắc.

Trước đó, tháng 9/2023, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua Đồ án quy hoạch “Phân khu sinh thái phía Tây - Khu vực thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, tỷ lệ 1/2.000.”

Theo Đồ án quy hoạch, phía Bắc của phân khu này giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế; phía Tây giáp khu vực rừng, núi của đèo Hải Vân; phía Nam giáp phân khu Cảng Liên Chiểu; phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng. Diện tích phân khu khoảng 3.822 ha, quy mô dân số khoảng 19.000 người.

Phân khu sinh thái phía Tây-Khu vực phường Hoà Hiệp Bắc có tính chất là phân khu sinh thái, phát triển hạn chế dựa trên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

Phân khu này cũng được quy hoạch phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng, khám phá mạo hiểm, sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp, gắn với bảo tồn thiên nhiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục