Các tỉnh Tây Nguyên kết nối giao thương với thị trường tỷ dân Ấn Độ

Trong khuôn khổ Chương trình Kết nối Giao thương tại Lâm Đồng, 45 Bản Ghi nhớ và Hợp đồng Nguyên tắc Hợp tác Thương mại giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên đã được ký kết.
Các tỉnh Tây Nguyên kết nối giao thương với thị trường tỷ dân Ấn Độ ảnh 1Ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Ngày 31/8, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Kết nối Giao thương giữa Doanh nghiệp các tỉnh Vùng Tây Nguyên với các Doanh nghiệp Ấn Độ.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng hơn 40 doanh nghiệp của Ấn Độ và 70 doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, du lịch và giáo dục.

Chương trình là cơ hội để hai bên thảo luận, tìm hiểu những cơ hội hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Qua đó tạo ra một không gian tương tác, giúp doanh nghiệp 2 bên giới thiệu thông tin về các sản phẩm dịch vụ và mong muốn hợp tác của mình.

[Việt Nam-Ấn Độ thảo luận biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế]

Phát biểu tại hội nghị, ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Ấn Độ là một thị trường khổng lồ với hơn 40 thành phố lớn và đang phát triển rất nhanh chóng về mọi mặt.

Đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, du lịch, IT… chính là cơ hội để các doanh nghiệp của Ấn Độ hợp tác với Lâm Đồng và các tỉnh trong khu vực.

“Tôi mong muốn mời các doanh nghiệp của cả hai bên trao đổi với nhau và tìm hiểu các mối quan tâm về kinh doanh, hợp tác. Đồng thời mời các công ty nông sản của tỉnh Lâm Đồng sang Ấn Độ tìm hiểu đầu tư và kinh doanh với các đối tác Ấn Độ. Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục hợp tác để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa trong thời gian sắp tới,” ngài Madan Mohan Sethi nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết về hợp tác thương mại, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ đạt giá trị hàng chục triệu USD trong những năm qua. Tuy nhiên việc hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có.

Hội nghị lần này nhằm cụ thể hóa chính sách thúc đẩy quan hệ song phương về thương mại, kinh tế và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên; trong đó có Lâm Đồng. Đây chính là cơ hội thúc đẩy cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, phát triển du lịch giữa doanh nghiệp Tây Nguyên với các doanh nghiệp Ấn Độ.

Trong khuôn khổ chương trình, 45 biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên cũng được ký kết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Ấn Độ đã trực tiếp tìm hiểu sản phẩm nông sản, may mặc, đặc sản tại gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp thuộc khu vực Tây Nguyên. Qua đó nhằm tìm hiểu những cơ hội mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục