Các trường đại học linh hoạt phương thức thi cuối kỳ do dịch COVID-19

Thay vì thi vấn đáp hoặc thi trực tiếp trên giấy như truyền thống, nhiều trường đại học đã chuyển sang thi vấn đáp online hoặc giao cho sinh viên làm bài tiểu luận để lấy đánh giá kết thúc học kỳ.
Các trường đại học linh hoạt phương thức thi cuối kỳ do dịch COVID-19 ảnh 1(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong khi tháng 5-6 hàng năm là thời điểm nước rút đối với sinh viên với các kỳ thi hết môn cuối năm học, đặc biệt là với sinh viên năm cuối.

Để triển khai theo đúng kế hoạch năm học, các trường đã linh hoạt phương thức thi, kiểm tra đánh giá với nhiều phương thức đa dạng. Sinh viên cũng tìm cách thích nghi để có thể đạt kết quả thi cao nhất.

Linh hoạt học và thi

Ngay từ đầu tháng Năm, khi dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển sang học trực tuyến. Đến thời điểm này, khi tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát, nhà trường đã quyết định đánh giá kết thúc học phần học kỳ II năm học 2020-2021 theo hình thức thức tiểu luận thay vì vấn đáp như kế hoạch.

Nguyễn Hoài An, sinh viên năm cuối của Khoa Luật nhận định đây là quyết định đúng đắn của nhà trường để tăng cường phòng, chống dịch trong tình hình phức tạp hiện nay, khi Hà Nội đã phát hiện các ca nhiễm chưa rõ nguồn lây.

Cũng theo Hoài An, việc làm tiểu luận sẽ thuận lợi và thoải mái cho sinh viên. “Thi vấn đáp rất áp lực vì thầy cô có thể hỏi bất cứ phần nào và sinh viên phải ôn tập kỹ mọi kiến thức đã học,” Hoài An chia sẻ.

Với sự thuận lợi đó, Hoài An cho hay em sẽ cố gắng nghiên cứu và tìm hiểu nhiều tài liệu để hoàn thành tốt bài tiểu luận và giành điểm số cao.

Khác với Khoa Luật của Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển lại dự kiến chuyển từ hình thức thi vấn đáp trực tiếp sang trực tuyến. Theo em Chu Nữ Ngọc Anh, sinh viên năm cuối chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, em không lo về kiến thức nhưng rất băn khoăn về vấn đề chất lượng đường truyền internet có thể gặp trục trặc trong buổi thi.

“Hiện em đang ở lại quê, lại vừa vào hè nên em rất lo việc đang thi thì điện quá tải, mất điện. Chất lượng đường truyền internet cũng không được ổn lắm,” Ngọc Anh lo lắng.

Học viện Ngoại giao lại chọn phương án kết hợp cả hình thức làm tiểu luận và thi. Theo đó, với các môn làm tiểu luận trường giao cho sinh viên làm luôn tại nhà. Môn phải thi trường sẽ có thông báo lịch thi sau khi đợt dịch COVID-19 diễn biến tốt hơn.

Các trường đại học linh hoạt phương thức thi cuối kỳ do dịch COVID-19 ảnh 2Sinh viên phải học và thi trực tuyến để phòng dịch COVID-19. (Ảnh: Tuệ Minh/Vietnam+)

Võ Thu Trang, sinh viên năm cuối khoa Truyền thông và văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao cho hay em rất đồng tình với quyết định của trường. Theo Trang, việc làm tiểu luận có nhiều thuận lợi cho sinh viên vì yêu cầu kiến thức ở mức độ cao hơn, tạo động lực thúc đẩy sinh viên phải tìm hiểu sâu và rộng hơn vấn đề, chủ động trong nghiên cứu tài liệu. “Tuy nhiên, nếu môn nào cũng làm tiểu luận thì rất nặng nề, khiến sinh viên cảm thấy áp lực,” Trang cho hay.

Nhiều giải pháp hỗ trợ sinh viên

Hiểu được những khó khăn của sinh viên khi thời gian qua phải học trực tuyến, nay tiếp tục thi từ xa, các giảng viên đã nỗ lực giúp sinh viên ôn tập để có thể hoàn thành tốt bài thi của mình.

Theo thầy Đỗ Thế Dương, giảng viên khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển, trong đợt học và thi online này, giảng viên và sinh viên đều đã được làm quen với việc học trực tuyến từ những đợt dịch bùng phát trước đó. Học viện Chính sách và Phát triển đang sử dụng kết hợp các giải pháp và công cụ chuyển đổi số để phục vụ dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn như hệ quản trị học tập LMS thiết kế riêng cho nhà trường, phần mềm hỗ trợ học/họp trực tuyến Zoom. Ngoài ra, nhà trường có sử dụng thêm phần mềm miễn phí có tính năng tương tự Zoom như Google Meet, Ms Team... Các phần mềm này có thể hỗ trợ học qua laptop, máy tính bảng, điện thoại khá thuận lợi.

[Thi tốt nghiệp THPT: Giữ nguyên lịch, giảm độ khó so với đề minh họa]

“Sinh viên năm cuối và những môn chuyên ngành được đặc biệt ưu tiên hỗ trợ qua hệ thống LMS/Zoom nên về cơ bản ít gặp khó khăn hoặc trở ngại. Nhà trường đã có kế hoạch bố trí các phòng Zoom riêng độc lập với các phòng đang học để chuẩn bị cho sinh viên bảo vệ tốt nghiệp giữa tháng Sáu,” thầy Dương cho hay.

Cũng theo thầy Dương, các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp sẽ được nhà trường và giảng viên quan tâm tạo điều kiện và ưu tiên trong việc mở các lớp học bổ sung, hoàn thiện kiến thức, quy đổi điểm, chuẩn đầu ra... nhằm giúp các em hoàn thành các điều kiện cần để bảo vệ tốt nghiệp.

“Nhà trường cũng có hệ thống cố vấn học tập luôn hoạt động 24/7 để hỗ trợ giải đáp thắc mắc của sinh viên, chuyển những yêu cầu cấp thiết của sinh viên đến Ban giám đốc, Lãnh đạo các phòng ban chức năng để kịp thời giải quyết mọi nhu cầu/nguyện vọng của sinh viên,” thầy Dương nói.

Với nhiều trường, đây là lần đầu tiên trường tổ chức thi trực tuyến cho sinh viên nên việc làm sao đảm bảo tính công bằng, khách quan là điều được đặc biệt quan tâm. Cô Đặng Phương Linh, giảng viên tại Đại học Thương mại cho hay tổ ra đề thi đã nghiên cứu vấn đề này rất kỹ càng. “Chúng tôi thiết kế bộ đề thi có tính mở để tất cả thí sinh đều phải nắm vững nền tảng kiến thức cơ bản đồng thời phải tự tư duy để làm bài, tránh tình trạng đề thi quá dễ tìm kiếm trên mạng nhiều thí sinh sẽ bị thiệt thòi,” cô Linh chia sẻ.

Bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên học và ôn thi, tính toán ra đề thi sao cho đảm bảo công bằng, các giảng viên cũng tích cực động viên, làm chỗ dựa tinh thần cho sinh viên. Thầy Trần Minh Tuấn, giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ trong hoàn cảnh khó khăn chung, sự hỗ trợ kịp thời của giảng viên vẫn sẽ là điểm tựa vững chắc cho các em sinh viên vượt qua trở ngại để hoàn thành 4 năm học một cách tốt nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục