Các ưu tiên phát triển của Liên minh châu Âu trong 5 năm tới

Trong 5 năm tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tập trung vào vấn đề nhập cư và bảo vệ biên giới bên ngoài - yếu tố đảm bảo tính toàn vẹn của không gian chung của Liên minh châu Âu (EU).
Các ưu tiên phát triển của Liên minh châu Âu trong 5 năm tới ảnh 1Toàn cảnh cuộc họp không chính thức các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 28/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trong 5 năm tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tập trung vào vấn đề nhập cư và bảo vệ biên giới bên ngoài - yếu tố đảm bảo tính toàn vẹn của không gian chung của Liên minh châu Âu (EU). Tiếp sau đó là vấn đề kinh tế và hành động vì khí hậu.

Trong dự thảo chiến lược giai đoạn 2019-2024, được cho là hướng dẫn công việc của các thể chế châu Âu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã khẳng định ưu tiên cho chính sách nhập cư.

Việc củng cố nền kinh tế, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tăng cường ảnh hưởng của EU cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Trong mục "Bảo vệ công dân và tự do," văn bản dự thảo nhấn mạnh mục tiêu của việc kiểm soát biên giới hiệu quả là để duy trì trật tự và luật pháp, đồng thời khẳng định thêm rằng các chính sách khác của châu Âu phụ thuộc vào hành động này.

Theo dự thảo, trước hết, EU phải đảm bảo tính toàn vẹn cho không gian sinh tồn của mình. EU phải biết và đóng vai trò quyết định xem những ai được phép đặt chân lên lãnh thổ EU.

[Các bộ trưởng tài chính EU đồng thuận về dự thảo ngân sách Eurozone]

Khối châu Âu dự định duy trì và mở rộng liên kết với các quốc gia quá cảnh và quê hương của người di cư, bao gồm Libya và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên cho biết họ quyết tâm tìm ra giải pháp cho chính sách tị nạn và chính sách di cư nội khối.

Kế hoạch cải cách Quy định Dublin II về xử lý các đơn xin tị nạn vẫn đang bế tắc tại Hội đồng châu Âu. Cuối năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã từ bỏ ý tưởng hoàn thành hồ sơ trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2019.

Vị trí của vấn đề di cư trong chương trình chiến lược là ưu tiên số 1 của các nhà lãnh đạo châu Âu, nhưng đây không thực sự là ưu tiên của cử tri châu Âu.

Ví dụ, một cuộc điều tra của YouGov tiến hành trước cuộc bầu của Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 5/2019 cho thấy ở 6 quốc gia, công dân di cư và "chảy máu chất xám" trở thành vấn đề cấp thiết hơn là sự xuất hiện của người nước ngoài.

Nếu nhập cư thực sự là một chủ đề quan tâm đối với người châu Âu, thì các chủ đề như tham nhũng, biến đổi khí hậu và việc làm cũng đứng hàng ưu tiên cao trong chính sách của họ.

Chương trình nghị sự chiến lược sẽ được xem xét lại tại các cuộc họp của Hội đồng châu Âu diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU vào các ngày 20-21/6.

Hiện tại, chính sách khí hậu và tình trạng ấm lên toàn cầu chỉ ở vị trí thứ ba trong chiến lược, sau nhập cư và phát triển cơ sở kinh tế.

Vấn đề khí hậu là trung tâm trong nhiều chiến dịch, đáng chú ý là ở Đan Mạch, Phần Lan và Tây Ban Nha.

Chiến lược thừa nhận rằng các chính sách phải phù hợp với các cam kết được đưa ra theo Thỏa thuận Paris và nền kinh tế châu Âu phải giảm đủ lượng khí thải để đạt được "tính trung lập khí hậu."

Tuy nhiên, chiến lược không ấn định thời điểm mà EU phải đạt việc hấp thụ được nhiều khí thải hơn mức tạo ra, điều này tiếp tục gây trở ngại trong các cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên.

Tính trung lập khí hậu vào năm 2050 được EC, EP và nhiều quốc gia ủng hộ, nhưng sự hoài nghi vẫn ngăn cản việc ký kết một thỏa thuận.

Theo một quan chức châu Âu, việc không có thời điểm hoặc thậm chí lịch trình cụ thể trong dự án "có thể là nguyên nhân gây lo ngại."

Các nhà hoạt động môi trường của tổ chức Hòa bình Xanh cảnh báo trong một tuyên bố rằng "danh sách các đề xuất mâu thuẫn này cho thấy các nhà lãnh đạo sẽ ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế theo cách tương tự như trước đây, việc này sẽ khoét sâu thêm bất bình đẳng xã hội, đồng thời tạo ra một cuộc khủng hoảng về khí hậu và sinh thái."

Các nhà hoạt động môi trường cũng chỉ ra rằng văn bản hầu như không đề cập đến chủ đề nông nghiệp hay giao thông, mặc dù hai lĩnh vực này đóng góp khoảng 50% tổng lượng khí thải. Thay vào đó, dự án liệt kê nền kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào các nước thứ ba.

Đến năm 2020, các bên ký kết thỏa thuận Paris phải thông báo với Liên hợp quốc cách thức thực hiện các cam kết của họ. Một số chuyên gia về khí hậu muốn EU chuẩn bị chiến lược cho hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào tháng 9 tới, nhưng điều này dường như ngày càng khó xảy ra. Về việc mở rộng khối, trước lời kêu gọi của EC về các cuộc đàm phán gia nhập EU của Albania và Bắc Macedonia, dự thảo chiến lược nhấn mạnh rằng các chính sách của EU phải gắn liền với mong muốn giữ cho cánh cửa mở đối với những người muốn và có thể gia nhập "gia đình" châu Âu.

Các nhà lãnh đạo có thể "bật đèn xanh" cho việc mở ra các cuộc đàm phán gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 6.

Mặc dù các quốc gia như Pháp và Hà Lan vẫn phản đối, 13 quốc gia Trung Âu đã soạn thảo một tuyên bố chung ủng hộ việc mở rộng khối.

Chiến lược cũng tuyên bố rằng EU sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo không gian chung Schengen hoạt động trơn tru, khu vực tự do lưu thông miễn thị thực. Hà Lan gần đây đã xác nhận sự phản đối của mình đối với việc gia nhập sắp tới của Bulgaria và Romania.

EC mới sẽ đề xuất luật pháp ít hơn nhiều so với thời ông Jean-Claude Junck, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng và giao thông, vì vậy, nhiệm kỳ mới của cơ quan hành pháp này nên tập trung vào giám sát những gì đã đàm phán.

Các thể chế của EU sẽ đảm bảo thực thi và áp dụng nghiêm ngặt các chính sách và các quy tắc phù hợp với tinh thần của các hiệp ước.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ quan điểm rằng ông không quan tâm nhiều đến người lãnh đạo EC, ông chú trọng nhiều hơn tới việc họ sẽ làm những gì trong 5 năm tới, đặc biệt là khi đảm bảo rằng các quy tắc cần phải được tôn trọng.

Tháng 5/2019, một quan chức khác của Hà Lan cho rằng EU phải xây dựng lại EC để cơ quan này không chỉ đưa ra các quy tắc mới, mà trên hết là đảm bảo việc thực thi chúng. Quan chức này cũng nói thêm rằng hiện tại EU không chắc chắn rằng những gì họ đã đồng ý sẽ được tất cả các thành viên áp dụng và tuân thủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục