Cách nhìn về sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc

Hãng tin ABC Australia đăng bài viết nêu ý kiến của một số chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra xung đột trên thế giới trong thế kỷ 21 do sự trỗi dậy của Trung Quốc là không có.
Cách nhìn về sự "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng của hãng tin ABC Australia ngày 15/6 có đăng bài viết nêu ý kiến của một số chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra xung đột trên thế giới trong thế kỷ 21 do sự trỗi dậy của Trung Quốc là không có.

Theo bài viết, Trung Quốc đã phát triển với một tốc độ chưa từng thấy kể từ khi mở cửa 40 năm trước, giúp khoảng 850 triệu người thoát khỏi đói nghèo và trở thành một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bắc Kinh từ lâu vẫn khẳng định sự trỗi dậy của mình là "hòa bình," nhưng sự tăng trưởng đặc biệt của nước này để trở thành một cường quốc kinh tế, quân sự và chính trị lại bị coi là "mối đe dọa", và nhiều chuyên gia đánh giá chính sách đối ngoại của Trung Quốc là "hung hăng" và đầy "hăm dọa."

Năm 2003, học giả Trung Quốc Trịnh Sảng đã đưa ra khái niệm "trỗi dậy hòa bình" dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để khẳng định rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, phù hợp với 5 nguyên tắc chung sống hòa bình của Trung Quốc.

Năm nguyên tắc đó là: 1/ Tôn trọng lẫn nhau về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; 2/ Không xâm lược lẫn nhau; 3/ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; 4/ Bình đẳng và hợp tác vì lợi ích chung; 5/ Cùng tồn tại hòa bình.

Các nhà phân tích còn cho rằng các chính sách này là nỗ lực của Trung Quốc nhằm tránh bẫy Thucydides, một luận thuyết cho rằng một cường quốc đang trỗi dậy chắc chắn sẽ đụng độ với một lực lượng thống trị đương nhiệm, dẫn đến chiến tranh và xung đột.

Tuy nhiên, chính sách trên đã bị chỉ trích ngay sau khi được đưa ra do cụm từ "trỗi dậy" nghe có vẻ đe dọa đối với các nước láng giềng của Trung Quốc.

[Vì sao Trung Quốc thúc đẩy hợp tác với Trung Á, Nga và Ấn Độ?]

Do đó, cụm từ này đã nhanh chóng được thay thế bằng "phát triển hòa bình" trong các tài liệu và bài phát biểu chính thức, nhưng điều đó đã không làm lung lay quan điểm của những người chỉ trích vẫn coi Trung Quốc là một mối đe dọa.

Vành đai và Con đường, Huawei và Biển Đông

Pradeep Taneja, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Melbourne (Australia), cho biết chính sách "trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh ban đầu được đưa ra để phản bác lại câu chuyện về "mối đe dọa Trung Quốc."

Tiến sỹ Taneja nói: "Mục đích của chính sách này là trực tiếp xua đi mối lo ngại rằng sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột giữa Mỹ, một siêu cường duy nhất hiện nay, và Trung Quốc."

Paul Monk, một nhà phân tích tình báo quốc phòng, cho rằng sự “lên ngôi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một bước ngoặt trong các quyết định chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD đã bị cáo buộc là "ngoại giao bẫy nợ," trong khi Mỹ cảnh báo mạng 5G của hãng viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc sẽ gây "rủi ro an ninh quốc gia."

Trong khi đó, theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng tiềm năng trong khu vực.

Tiến sỹ Taneja nói: "Về mặt thực tế, Trung Quốc sử dụng 'câu chuyện hòa bình' để khẳng định họ không có ý định xâm lược, trong khi vẫn hung hăng theo đuổi các lợi ích chiến lược của mình, đặc biệt là ở Biển Đông."

Nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng câu chuyện về bản chất và tăng trưởng hòa bình của Trung Quốc để lập luận rằng sự trỗi dậy của nước này sẽ khác với các sự trỗi dậy của các cường quốc khác trong quá khứ.

Theo tiến sỹ Monk, Trung Quốc đã cho thấy năng lực kinh tế của mình sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 mà không bị ảnh hưởng nhiều và theo thời gian, nước này trở nên sẵn sàng hơn để khẳng định mình, đặc biệt là dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong khi các nhà phân tích nhận ra rằng Trung Quốc đã có một chiến lược dài hạn để chống lại Mỹ ở Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương, tiến sỹ Monk cho rằng sự chuyển đổi như vậy là không thể tránh khỏi.

Kế hoạch dự phòng của Trung Quốc và "sự quyết đoán của Mỹ"

Andrew J Nathan, Giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Colombia, viết rằng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình đưa ra một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, trong đó các thể chế quốc tế thường phản ánh lợi ích và giá trị của Mỹ.

Giải pháp thay thế này của Trung Quốc cho phép các quốc gia quản trị các hệ thống chính trị và con người của mình theo cách mà họ thấy là phù hợp, và nhấn mạnh rằng tất cả các quốc gia đều có quyền bình đẳng trong cách làm của mình mà không bị ai can thiệp.

Ví dụ, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc thường phủ quyết hoặc bỏ phiếu trắng về các nghị quyết liên quan đến can thiệp hoặc trừng phạt. Jane Golley, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), nói điều này là "tự nhiên và dự đoán được" đối với một siêu cường mới nổi như Trung Quốc để tạo ra các kế hoạch bảo vệ lợi ích của chính quốc gia này.

Tiến sỹ Golley còn nói rằng việc quân sự hóa Biển Đông "vốn không mâu thuẫn với sự phát triển hòa bình" vì đó là một biện pháp an ninh để đảm bảo các tuyến đường hàng hải không bị đóng trong trường hợp chiến tranh.

Bà Golley nói: "Chi phí chiến tranh sẽ lấy đi lợi ích kinh tế của Trung Quốc" và "Những gì Trung Quốc đang theo đuổi là sức mạnh kinh tế, và đầu tư về kinh tế vốn dĩ là hòa bình."

Bà Golley nói thêm rằng chính "sự quyết đoán của Mỹ" đã khiến Trung Quốc- dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình- phải xây dựng quân đội "phù hợp với sức mạnh kinh tế" như là một phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra xung đột với một siêu cường.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Golley, trong khi Trung Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình trừ khi bị khiêu khích, thì các chính sách trong nước lại đáng lo ngại, ví dụ như chính sách về tình hình ở Hong Kong, Tân Cương.

Đánh giá về sự trỗi dậy của Trung Quốc, tiến sỹ Monk nhấn mạnh điều quan trọng là phải giữ một "cái đầu lạnh" khi so sánh sự trỗi dậy của Trung Quốc với sự xuất hiện của các cường quốc trước đó.

Ông nói các siêu cường trước đây của thế giới - bao gồm các cường quốc thực dân ở châu Âu và Nhật Bản - đã trỗi dậy thông qua "một thảm họa chưa từng có," như các cuộc chiến tranh thế giới hay sự nô lệ hàng loạt của các dân tộc.

Theo tiến sỹ Monk, khả năng xung đột tương tự xảy ra trong thế kỷ 21 do sự trỗi dậy của Trung Quốc là không có do nước này đã hội nhâp với tư cách là “người khởi đầu muộn” trong một hệ thống thương mại và đầu tư quốc tế đã trưởng thành, và nếu làm xáo trộn hệ thống đó, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục