Với quy mô đầu tư dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Hơn nữa, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này.
Đây là thách thức lớn với các nhà bán lẻ do sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cũng như tốc độ ứng dụng công nghệ tiên tiến cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn.
Cạnh tranh không cân sức
Theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn một triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình.
Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.
Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức của các nhà bán lẻ trong nước trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Thống kê cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần.
15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nhận định các nhà bán lẻ nội đã nỗ lực và không thua kém trong cuộc đua thị phần hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mở rộng mạng lưới; đồng thời, hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú như hệ thống Vinmart, Hapro, Co.op mart…
[Cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp và nhà phân phối trong chuỗi cung ứng]
Dù vậy, vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn.
Ngược lại, những nhà đầu tư ngoại có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần.
Theo các chuyên gia thương mại, doanh nghiệp Việt Nam tụt hậu về công nghệ diễn ra trong thời gian dài so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu vực và thế giới. Hơn nữa, trình độ quản trị của doanh nghiệp còn ở mức thấp và chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế… là những vấn đề doanh nghiệp Việt cần sớm có giải pháp khắc phục.
Thêm giải pháp bứt phá
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất. Từ đó, đổi mới sáng tạo các sản phẩm-dịch vụ, giảm tiêu hao chi phí trong sản xuất lưu thông, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP.
Nghị định số 09/2018/NĐ-CP củng cố, hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp lý nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là các hoạt động lập cơ sở bán lẻ, phát triển chuỗi bán lẻ của đối tượng này từ việc mở rộng phạm vi quản lý theo nhà đầu tư, tên, nhãn hiệu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 được Thủ tướng tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 13/9/2015.
Trong quá trình triển khai đề án này, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp phân phối FDI trở thành đối tác chiến lược quan trọng của đề án. Điều này nhằm hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn và đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước qua các chương trình phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đủ chất lượng để tham gia vào mạng lưới phân phối nước ngoài ở cả trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, định hướng các doanh nghiệp phân phối FDI phát triển và cạnh tranh đúng đắn, lành mạnh tại thị trường Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với nguồn nhân lực và hàng hóa trong nước.
Các chuyên gia thương mại khẳng định, việc mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập quốc tế, cùng với việc các rào cản thương mại, điều kiện ràng buộc về thuế quan được gỡ bỏ là xu hướng tất yếu. Các hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ là cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bên cạnh đó, vấn đề hàng nội, hàng ngoại cũng cần được tiếp cận cởi mở và đa chiều hơn theo mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu.
Với cơ chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập kinh tế quốc tế thì xu thế mua bán doanh nghiệp, góp vốn, chuyển nhượng cổ phần (gọi tắt là M&A) giữa các doanh nghiệp trong nước hay giữa các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng phổ biến.
Cùng với đó, môi trường tự do hóa thương mại đặt ra những thách thức đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa và chủ thể bán lẻ trong nước. Đây cũng là cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính các đối tượng này.
Chính vì vậy, vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trong nước chính là bài toán dài hạn của chính doanh nghiệp trong nước; đồng thời, đòi hỏi sự phối hợp, chung sức của cả hệ thống chính trị và ngành công thương.
Mặt khác, để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Công Thương còn định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường, xã hội.
Ngoài ra, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh; các giải pháp quản lý thị trường, chống hàng nhái, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa./.