Sản xuất vải denim thu hút nhà đầu tư ngoại và nội ''đổ'' vốn

Cả doanh nghiệp ngoại và nội sản xuất vải denim đều chủ động đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại, riêng các doanh nghiệp trong nước đã và đang nỗ lực tăng tỷ lệ sản xuất
Sản xuất vải denim thu hút nhà đầu tư ngoại và nội ''đổ'' vốn ảnh 1Gian hàng của doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu sản phẩm quần jean. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Hiện nay, sản phẩm may mặc từ vải denim (loại vải thô, bền, được dệt đan chéo một cách chắc chắn bằng 100% vải cotton) chiếm khoảng 80 tỷ USD trong ngành công nghiệp xuất khẩu của toàn cầu.

Tại Việt Nam, lĩnh vực sản xuất vải denim cũng đang thu hút nhà đầu tư ngoại và nội.

Đây là thông tin được cho biết tại chuỗi hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về vải, may mặc, máy móc và phụ kiện Denimsandjeans lần thứ 4 năm 2019 với chủ đề “My earth my denim” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp với Công ty Denimsandjeans.com và một số đơn vị khác tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 12-13/6.

[Khai mạc Triển lãm quốc tế về vải, may mặc, phụ kiện Denimsandjeans]

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng nếu như chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn trong khâu dệt và vải, thì lĩnh vực sản xuất vải denim đang làm chủ được nguồn nguyên liệu; trong đó, tỷ lệ nội địa hóa và khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm quần jean lên đến 55-60%.

Ngoài ra, cả doanh nghiệp ngoại và nội hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vải denim đều chủ động đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại. Riêng các doanh nghiệp trong nước đã và đang nỗ lực tăng tỷ lệ sản xuất, đáp ứng đơn hàng và tham gia vào khâu thiết kế để giảm tỷ lệ gia công.

Hiện tại, lĩnh vực sản xuất vải denim đã hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may Việt Nam, vì đã có thể cung ứng nội khối về vải, sợi... Tuy nhiên, số lượng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn.

Mặt khác, lĩnh vực sản xuất vải denim có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu trong ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm sản xuất từ vải denim chỉ chiếm 10-20% trong cơ cấu chủng loại sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam, do tính chất khá chuyên biệt của nó.

Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết Việt Nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương. Đáng chú ý, là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và dự kiến Hiệp đinh Thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA)...

Trước xu thế toàn cầu phát triển bền vững, người tiêu dùng quan tâm quy trình sản xuất xanh, sản phẩm thân thiệt với môi trường. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh xanh hóa, hướng đến sản phẩm bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn nguyên vật liệu đầu vào trong quy trình sản xuất.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vải Denim nói riêng, đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn các FTA và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá đây là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, có nhu cầu cung ứng những máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp sản xuất vải denim tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề phát triển sản xuất vải denim bền vững, ông Jordi Juani, Giám đốc khu vực châu Á, Công ty Jeanologia cho rằng nếu việc sản xuất vải denim, cũng như vải jeans ở châu Á tiếp tục phát triển như hiện nay thì đó sẽ là thảm họa đối với môi trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tiếp cận những mô hình sản xuất mới và nâng cao nhận thức về phát triển bền vững của ngành.

Cụ thể, doanh nghiệp cần vượt qua thách thức trong việc giải quyết những vấn đề nội tại của ngành, đồng thời học hỏi cách thức của các quốc gia đã chuyển đổi hoạt động sản xuất vải denim hiệu quả. Tiêu chuẩn phát triển bền vững và hội nhập thị trường thương mại tự do, đòi hỏi cả doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý phải nhanh nhạy nắm bắt kịp thời những xu hướng về bán lẻ hiện đại, thị hiếu tiêu dùng của người mua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục