Cấm quảng cáo đồ ăn nhanh có thể giảm tỷ lệ trẻ em bị béo phì

Tỷ lệ trẻ em bị béo phì ở Mỹ có thể giảm tới 18% nếu các quảng cáo đồ ăn nhanh (fast food) trên truyền hình bị cấm. Đây là khuyến cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia của Mỹ đưa ra ngày 19/11.

Tỷ lệ trẻ em bị béo phì ở Mỹ có thể giảm tới 18% nếu các quảng cáo đồ ăn nhanh (fast food) trên truyền hình bị cấm. Đây là khuyến cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia của Mỹ đưa ra ngày 19/11.
 
Kết quả nghiên cứu dựa trên thu thập và phân tích các dữ liệu của gần 13.000 trẻ em Mỹ cho thấy nếu chính phủ ban hành lệnh cấm quảng cáo đồ ăn nhanh, số lượng thanh thiếu niên bị béo phì trong độ tuổi từ 3 -11 tuổi sẽ giảm 18% và trong độ tuổi từ 12 -18 là 14%. Ngoài ra, báo cáo của Viện Y học Mỹ năm 2006 cũng đưa ra một bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa quảng cáo đồ ăn nhanh trên truyền hình và tỷ lệ trẻ em bị béo phì gia tăng.
 
Giới nghiên cứu hy vọng kết quả này sẽ buộc các cơ quan chức năng xem xét các chính sách nhằm làm giảm tỷ lệ trẻ béo phì. Hiện nay trên thế giới, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan đã áp dụng Luật cấm quảng cáo đồ ăn nhanh trên truyền hình.
 
Ngoài ra, việc xem tivi quá nhiều cũng được coi là "thủ phạm" làm tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì do nó làm trẻ lười vận động và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Theo thống kê, cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, trung bình mỗi năm trẻ em Mỹ xem khoảng 20.000 clip quảng cáo trên truyền hình. Con số này tăng lên là 30.000 và 40.000 lần lượt trong 10 và 20 năm sau đó.
 
Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ ước tính hiện tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 2-5 tuổi bị béo phì ở nước này là 13,9%. Tỷ lệ này ở các độ tuổi sau cao hơn, cụ thể là 18% đối với trẻ từ 6-11 tuổi và hơn 17% từ 12-19 tuổi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục