121.000 tỷ cho hạ tầng giao thông Bắc bộ

Cần 121.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông Bắc bộ

Theo Bộ Giao thông Vận tải, vốn cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng Bắc Bộ từ nay đến năm 2020 là hơn 121.000 tỷ đồng.
Cần 121.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông Bắc bộ ảnh 1Thi công nền đường ở thành phố Lào Cai. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian từ nay đến năm 2020 là hơn 121.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2013-2015, đối với đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung hoàn thành ba tuyến đường cao tốc gồm Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên và Hòa Lạc-Hòa Bình.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ huy động vốn để triển khai nâng cấp mặt đường một số tuyến hướng tâm, vành đai quan trọng như Quốc lộ 6, Quốc lộ 12, Quốc lộ 279…; đồng thời từng bước xây dựng các cầu yếu trên các tuyến quốc lộ.

Ngoài ra, Bộ sẽ đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai bằng nguồn vốn ODA cũng như một số dự án đường thủy nội địa, hàng không và hệ thống đường địa phương.

Trong phương hướng công tác của mình, Bộ Giao thông Vận tải đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc đã bố trí đủ vốn; huy động nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn; đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong khu vực; nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Đông Anh-Quán Triều, Kép-Lưu Xá; và huy động nguồn vốn xây mới tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng vào thời điểm thích hợp.

Mặt khác, Bộ sẽ nâng cấp các tuyến vận tải thủy Việt Trì-Lào Cai, Phả Lại-Đa Phúc và các cảng chính trên tuyến. Đối với hệ thống giao thông địa phương, Bộ sẽ nỗ lực để đảm bảo 100% xã có đường đến trung tâm. Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa hoặc bêtông, ximăng đạt 100% đối với đường tỉnh, đường huyện; 70% đối với đường xã và 50% đối với đường thôn, xóm.

Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, việc đầu tư cần lựa chọn những công trình trọng điểm cấp bách mang tính động lực vùng và sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng bố trí vốn.

Giải pháp và chính sách tạo vốn đầu tư là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau như BOT, BT, PPP.

Ông Thăng cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đẩu tư xúc tiến vận động các nhà tài trợ cung cấp nguồn vốn ODA cho phát triển hạ tầng giao thông.

Ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư theo hướng đa mục tiêu, lồng ghép các chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông vận tải với xây dựng vùng hồ thủy điện, thủy lợi và xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng ngập để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Một vấn đề quan trọng khác là áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và sử dụng vật liệu mới, vật liệu sẵn có để xử lý các vấn đề kỹ thuật liên quan tới điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp của khu vực nhằm giảm giá thành nâng cao chất lượng công trình…/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục