Cân bằng giữa phòng dịch và tái khởi động kinh tế hậu COVID-19

Theo chuyên gia, mặc dù y tế công cộng là ưu tiên hàng đầu, song việc duy trì xã hội và nền kinh tế trong tình trạng phong tỏa hoàn toàn với thời gian quá dài sẽ khó lường trước những hệ lụy tiêu cực.
Cân bằng giữa phòng dịch và tái khởi động kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị ở Berlin, Đức ngày 23/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo CNN Business, làm thế nào để tái khởi động một nền kinh tế đã bị phong tỏa vì một đại dịch. Câu trả lời là phải rất, rất thận trọng.

Nước Áo ngày 6/4 cho biết sẽ bắt đầu mở lại dần các cửa hiệu sau Lễ Phục sinh, trở thành nước đầu tiên ở châu Âu thực hiện điều này.

Các chính phủ đang gặp nhiều sức ép trong việc giải thích các kế hoạch của họ do chi phí thực hiện các giải pháp khống chế dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra (hay còn gọi là COVID-19) quá cao.

Sức ép này càng nặng nề hơn trước những lo ngại rằng các nguồn cung lương thực và chăm sóc y tế có thể suy giảm nếu các biện pháp hạn chế được áp dụng trong thời gian quá dài.

Trong khi lệnh phong tỏa có lẽ vẫn duy trì trong nhiều tuần - tại một số nước là nhiều tháng - thì việc lên kế hoạch một cách chi tiết hiện nay có thể giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương và hỗ trợ nền kinh tế hồi phục nhanh hơn khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.

Ngược lại, những sai lầm trong hoạch định có thể dẫn tới sự bùng phát mạnh hơn của dịch bệnh, các biện pháp hạn chế đối với công việc, đời sống công cộng sẽ lại một lần nữa thắt chặt và gia tăng những tổn hại kinh tế.

Tại Đức, quốc gia có 100.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và gần 1.600 người đã tử vong, một nhóm các nhà kinh tế, luật sư và chuyên gia y tế đang khuyến nghị từng bước phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong đó cho phép các ngành công nghiệp đặc thù và công nhân khôi phục hoạt động, đồng thời áp dụng những bước đi cần thiết để ngăn chặn virus lây lan trở lại.

Trong một báo cáo được Viện Nghiên cứu Kinh tế IFO xuất bản tuần trước, hàng chục học giả đã bày tỏ rằng không kỳ vọng một loại vắcxin hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả COVID-19 có thể được tạo ra trước năm 2021. Do đó, Đức nên tiếp cận cuộc chiến chống đại dịch này như một "cuộc chạy đua marathon hơn là chạy nước rút."

Các chuyên gia cho rằng "những biện pháp trong tương lai phải được soạn thảo và chuẩn bị theo cách vừa đảm bảo được sự chăm sóc y tế hiệu quả, vừa đáp ứng đòi hỏi về tính bền vững khi thực hiện. Việc lên kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp này phải bắt đầu ngay trong chính giới, chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức khác."

[Sẽ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất trong 90 năm]

Đức đã yêu cầu đóng cửa các trường học, nhà hàng, địa điểm vui chơi, thể thao và hầu hết các cửa hiệu ít nhất là đến hết ngày 20/4, đẩy nền kinh tế, vốn đang lao đao bên bờ vực suy thoái, lại thêm lún sâu vào khủng hoảng.

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 6/4 cho biết ông chưa thể đưa ra một khung thời gian chắc chắn cho việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. IFO đã dự báo mức suy giảm 20% của GDP nước này trong năm nay nếu việc phong tỏa kéo dài trong 3 tháng.

Làm cách nào để tái khởi động một nền kinh tế

Chính phủ Đức đã đưa ra gói cứu trợ kinh tế trị giá tới 750 tỷ euro (tương 825 tỷ USD), bao gồm các biện pháp khuyến khích cho vay và bảo lãnh nợ cho các doanh nghiệp, hỗ trợ công nhân nghỉ việc.

Đây là một trong những gói cứu trợ lớn nhất được tung ra trên toàn cầu.

Báo cáo của IFO lưu ý rằng hiện nay, Đức nên thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc gia gồm các chuyên gia và các đại diện công chúng có nhiệm vụ đưa ra những khuyến nghị về cách thức nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với công viêc và đời sống công cộng, cũng như về thời điểm các ngành công nghiệp nên khởi động lại sản xuất. Người lao động trở lại làm việc trên tình thần tự nguyện.

Báo cáo cho rằng các ngành công nghiệp như viễn thông và sản xuất ô tô, vốn đóng góp phần lớn giá trị cho nền kinh tế này, nên được ưu tiên, trong khi những công việc có thể dễ dàng thực hiện tại nhà thì nên tiếp tục làm từ xa.

Nhà trẻ và trường học sẽ được mở cửa khá sớm bởi nhóm người trẻ hầu như không có những triệu chứng nghiêm trọng trong khi phụ huynh không thể đi làm nếu các cơ sở chăm sóc con cái của họ và trường học vẫn đóng cửa.

Cấm tụ tập ở hộp đêm và các sự kiện lớn

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoặc thiết bị chăm sóc y tế cũng nên sớm mở cửa trở lại, trong khi các khách sạn và nhà hàng chỉ được cho phép mở cửa lại theo một cách "rất thận trọng và có kiểm soát" bởi vì đó là những nơi mà người dân khó có thể duy trì khoảng cách cần thiết.

Cũng theo báo cáo này, các vũ trường, câu lạc bộ vẫn nên phải đóng cửa và các sự kiện với số lượng lớn người tham dự không nên được tổ chức.

Các chuyên gia cho rằng các vùng khác nhau có thể lựa chọn các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện mỗi vùng để áp dụng. Biện pháp hạn chế có thể được nới lỏng trước tiên là tại những nơi có mức độ lây nhiễm thấp hoặc nguy cơ lây nhiễm đã giảm xuống, như các cộng đồng ở nông thôn.

Theo thời gian, những vùng đã hình thành khả năng miễn dịch cộng đồng thì có thể được phép hoạt động với ít biện pháp hạn chế hơn.

Tất nhiên, điều này đòi hỏi việc xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách đồng bộ và trên quy mô lớn. Sự giáo dục về vệ sinh cá nhân cũng như ban hành những quy định mới cho phép sử dụng các dụng cụ bảo hộ cá nhân cũng là những vấn đề cần thiết.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo Đức nên gia tăng sản xuất quần áo bảo hộ và khẩu trang quy mô lớn, củng cố năng lực sản xuất các loại thuốc và vắc-xin, thành lập một nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ khâu hoạch định chiến lược.

Báo cáo khẳng định rằng trong khi nhóm chuyên trách này soạn thảo các khuyến nghị thì chính giới và các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là người quyết định cuối cùng về thời điểm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế: "Cố gắng kiểm soát một cách tập trung việc phục hồi sản xuất sẽ không hiệu quả trên thực tế. Việc phục hồi sản xuất phải được kiểm soát chủ yếu bởi chính các cơ quan và doanh nghiệp."

Quan sát Trung Quốc

Các quốc gia đang cố gắng tăng tốc cho nền kinh tế đất nước trong bối cảnh phải phòng ngừa một làn sóng lây nhiễm mới của SARS-CoV-2 có thể nhìn vào Trung Quốc để nhận ra những gì hiệu quả và những gì không hiệu quả.

Trong quý đầu tiên năm nay, Trung Quốc có lẽ đã trải qua lần giảm sút kinh tế đầu tiên trong nhiều thập kỷ sau khi chính quyền trung ương Trung Quốc áp dụng các biện pháp quyết liệt để khống chế sự lây lan của SARS-CoV-2.

Trung Quốc đã bắt đầu triển khai một kế hoạch mạnh mẽ để cứu giúp nền kinh tế, với việc đưa ra các chính sách và chiến dịch nhằm thúc đẩy người dân trở lại làm việc, tăng cường niềm tin của doanh nghiệp và nỗ lực bảo vệ nhiều doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản. Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD cho các nguồn cung y tế và điều trị, bơm tiền cho các dự án hạ tầng để tạo việc làm.

Nước này cũng dỡ bỏ các lệnh phong tỏa đưởng bộ và cho phép người dân đi lại tự do hơn tại các khu vực mà SARS-CoV-2 dường như đã không còn xuất hiện.

Tuy nhiên, còn quá sớm để nói đến việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế. Những câu hỏi mới đang được đặt ra xung quanh mức độ tin cậy trong các dữ liệu liên quan đến tình trạng lây nhiễm được Bắc Kinh thông báo, và rất nhiều người dân nước này đã bắt đầu tụ tập tại các địa điểm du lịch hồi cuối tuần qua.

Một số doanh nghiệp đã vội vàng quay lại hoạt động, gây khó khăn cho những nỗ lực phục hồi. Một doanh nghiệp sản xuất titanium hàng đầu đã tái khởi động các nhà nhà máy của mình vào tháng Hai vừa qua, nhưng rồi cũng lại ngừng sản xuất vì nhiều công nhận bị lây nhiễm.

Sự cần thiết của việc duy trì cân bằng

Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, gần đây cho rằng mặc dù y tế công cộng là ưu tiên hàng đầu đối với ông, song việc duy trì xã hội và nền kinh tế trong tình trạng phong tỏa hoàn toàn trong thời gian quá dài sẽ không lường trước được hết những hệ lụy tiêu cực.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC hôm 6/4, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng ông thấy "kinh hãi" về sự thiệt hại kinh tế mà lệnh phong tỏa đã gây ra cho nền kinh tế nước Anh, mà theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Doanh nghiệp là khoảng 2,4 tỷ euro/ngày (tương 2,9 tỷ USD).

Ông Blair nhấn mạnh: "Tình hình này nếu kéo dài quá lâu cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động hiệu quả của hệ thống chăm sóc y tế."

Ông Fauci thì cho rằng việc làm cách nào để duy trì sự cân bằng là một vấn đề đang được các nước trên toàn cầu nghiên cứu trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan.

Phát biểu với New York Times, ông nhấn mạnh "người dân đang phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng cho nhu cầu dinh dưỡng, lương thực. Họ có thể bị đói và bị ốm. Nếu chuỗi cung ứng đó bị gián đoạn đến mức hầu như không tồn tại nữa, sự đổ vỡ trong xã hội có thể thực sự rất thảm khốc.”

Ông Fauci nói thêm: "Cần phải chắc chắn là chúng ta vẫn đang chú ý tới sự cân bằng này"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục