“Cán bộ công đoàn phải thở hơi thở người lao động”

Tân Chủ tịch Tổng LĐLĐ cho rằng cán bộ công đoàn phải am hiểu luật pháp và vận dụng vào thực tiễn để đối thoại với chủ lao động.
Ngày 30/7, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức họp báo về kết quả Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI và ra mắt đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XI (2013-2018). Ông Đặng Ngọc Tùng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XI.

Tại buổi họp báo, ông Đặng Ngọc Tùng đã thông báo về những đổi mới trong hoạt động công đoàn nhiệm kỳ tới, đặc biệt khi Luật Lao động và Luật công đoàn sửa đổi đã có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn. Theo đó, những hoạt động của tổ chức công đoàn được cho là sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

  - Thưa ông, xu thế hội nhập đang đòi hỏi vai trò đại điện, bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn phải được thể hiện mạnh mẽ hơn, vậy trong nhiệm kỳ 2013-2018, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng hướng về cơ sở như thế nào ?

Ông Đặng Ngọc Tùng:
Trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, giải pháp quan trọng nhất là đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ tịch, ủy viên trong ban chấp hành công đoàn cơ sở. Cùng với việc đặt lợi ích người lao động lên trên hết, cán bộ công đoàn cơ sở phải là người am hiểu luật pháp, các hoạt động quần chúng.

Chúng tôi sẽ tổ chức truyền đạt cho họ kinh nghiệm thương thảo để đi đến ký các thỏa ước lao động, bảo vệ quyền người lao động ở cơ sở. Công đoàn nào có cán bộ công đoàn cơ sở có khả năng thương thảo giỏi sẽ ký được thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho người lao động.

Bên cạnh đó, chủ tịch công đoàn cơ sở còn phải thường xuyên đối thoại với chủ sử dụng lao động để giải quyết vướng mắc phát sinh ở cơ sở, để làm sao xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ ở doanh nghiệp và từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn, tạo niềm tin với người lao động và chủ doanh nghiệp, hạn chế tối đa tranh chấp lao động tại cơ sở.

Tại đại hội, việc hướng về cơ sở cũng được thể hiện rất rõ, có rất nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thêm cán bộ cơ sở tham gia vào ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, vì vậy chưa có  nhiệm kỳ nào cán bộ công đoàn cơ sở nằm trong ban chấp hành lại nhiều như thế này, có tới 21/172 đồng chí.

Đặc biệt, theo tôi, muốn hướng về cơ sở thì ngay cả các cán bộ trong đoàn chủ tịch của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải đi thật nhiều cơ sở để hiểu được họ mong muốn gì. Cán bộ công đoàn quan trong nhất là làm sao có thể thở được hơi thở của người lao động thì mới hiểu được tình hình thực tế ở cơ sở.

 - Vậy còn việc chăm lo đời sống cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được tổ chức công đoàn thực hiện thế nào trong nhiệm kỳ tới khi mà đời sống của các công nhân còn gặp nhiều khó khăn?


Ông Đặng Ngọc Tùng: Qua phản ánh của các công đoàn cơ sở có thể thấy đời sống công nhân lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số chủ doanh nghiệp nợ hoặc không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Họ còn vi phạm về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc làm cho quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, người lao động còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, phải thuê nhà trọ với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn…

Vì vậy, thời gian qua, tổ chức công đoàn đã có kiến nghị với các cơ quan nhà nước khi quy hoạch các khu công nghiệp là phải quy hoạch nhà ở cho công nhân, vận động các chế độ chính sách, vận động doanh nghiệp vào xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng nhà văn hóa, xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp để công nhân yên tâm sản xuất.

Trong thời gian tới, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những hoạt động này để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân.

  - Có một thực tế, trong các doanh nghiệp tư nhân, vai trò của tổ chức công đoàn còn hạn chế do cán bộ công đoàn hoạt động bảo vệ quyền lợi của lao động tích cực thường bị doanh nghiệp trù dập. Vậy trong giai đoạn tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có biện pháp gì để bảo vệ những cán bộ công đoàn này?


Ông Đặng Ngọc Tùng: Đúng là có thực tế cán bộ công đoàn muốn bảo vệ quyền lợi của công đoàn viên của mình sẽ tạo nên mâu thuẫn với người sử dụng lao động và dễ dẫn tới mất việc… Chính vì vậy, khi xây dựng Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi, tổ chức công đoàn đã rất cố gắng để đề nghị đưa vào trong luật những biện pháp bảo vệ cán bộ công đoàn.

Cụ thể, trong Luật Công đoàn sửa đổi đã có hiệu lực, cán bộ công đoàn đã được luật pháp bảo vệ, chủ doanh nghiệp muốn chấm dứt hợp đồng với người cán bộ công đoàn phải có sự trao đổi, thống nhất với công đoàn cơ sở.

Những điều luật cụ thể bảo vệ cán bộ công đoàn đã có, tuy nhiên, quan trọng không kém luật là trình độ năng lực của cán bộ công đoàn cơ sở, họ phải am hiểu luật pháp và vận dụng được luật pháp vào thực tiễn để thương thảo, đối thoại với chủ sử dụng lao động. Nếu cán bộ công đoàn cơ sở biết vận dụng kiến thức về luật pháp vào quá trình làm việc thì chẳng những bảo vệ được các cán bộ công đoàn cơ sở mà còn bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người lao động.

  - Được biết, trong ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lần đầu tiên có một đồng chí là chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn, sự đổi mới này bắt nguồn tư đâu và nó có ý nghĩa gì?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Hiện tại, cả nước đang có trên 5 triệu ngư dân bám biển làm ăn sinh sống. Trong những năm qua, ngư dân của chúng ta gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ.

Tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, đây là những ngư trường rất thân thuộc với ngư dân đào Lý Sơn, được coi như như ‘vườn rau ao cá” của gia đình để họ ra khai thác kiếm sống. Thế nhưng tàu hải giám nước ngoài lại xua đuổi không cho họ đánh bắt cá, vì vậy họ đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá gồm các ngư dân để tạo điều kiện giúp đỡ nhau, thông báo cho nhau khi gặp khó khăn ngoài biển. Như vậy, nếu trước kia người ta ra khơi từng chiếc một thì giờ họ ra khơi theo từng tổ, từng đội và giúp đỡ lẫn nhau. Bước đầu nghiệp đoàn nghề cá đã phát huy hiệu quả tốt nhờ sự đoàn kết, đồng lòng.

Với sự tham gia của chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá vào ban chấp hành công đoàn, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa mô hình nghiệp đoàn nghề cá này để làm sao các tỉnh ven biển có thể thành lập được nghiệp đoàn nghề cá, để cho ngư dân đoàn kết ra khơi, gìn giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và những ngư trường cha ông chúng ta để lại, góp phần bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc ta.

Chúng tôi hy vọng trong các nhiệm kỳ khác sẽ không chỉ một và còn nhiều nghiệp đoàn tham gia vào ban chấp hành.

  - Xin cảm ơn ông!


Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục