Cán cân Tòa án Tối cao và cục diện chính trường Mỹ

những tranh cãi gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã nảy sinh từ ngày 26/9 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
Cán cân Tòa án Tối cao và cục diện chính trường Mỹ ảnh 1Bà Amy Coney Barrett (trái) tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán Tòa án Tối cao trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) tại Nhà Trắng ở Washington, DC.. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, sáng 27/10 (giờ Việt Nam, tối 26/10 giờ Mỹ), bà Amy Coney Barrett đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 115 và là người phụ nữ thứ năm phục vụ tại cơ quan này trong lịch sử Mỹ.

Bà Barrett cũng là thẩm phán thứ sáu trong Tòa án Tối cao gồm 9 thẩm phán do một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa bổ nhiệm và là thẩm phán thứ ba được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Việc Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát thực hiện các bước đi nhằm thông qua đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao đối với bà Amy Coney Barrett là một trong những tâm điểm chú ý của dư luận những ngày qua, song hành cùng diễn biến của tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

[Tổng thống Trump ca ngợi việc bổ nhiệm tân Thẩm phán Tòa án Tối cao]

Đây được coi là sự kiện đánh dấu việc hình thành một trong những yếu tố trọng yếu có thể quyết định đến kết quả bầu cử Mỹ năm 2020 nói riêng cũng như việc hoạch định chính sách của chính quyền Mỹ hậu bầu cử nói chung.

Trên thực tế, những tranh cãi gay gắt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã nảy sinh từ ngày 26/9 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, thay thế Thẩm phán nổi tiếng Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời hôm 18/9.

Các chính khách đảng Dân chủ cho rằng quy trình này nên do tổng thống đắc cử ngày 3/11 tới thực hiện.

Ngoài ra, Đảng Dân chủ cũng xem xét các công cụ, lựa chọn giải pháp để có thể trì hoãn hoặc ngưng phê chuẩn đề cử nhân sự của ông Trump.

Cán cân Tòa án Tối cao và cục diện chính trường Mỹ ảnh 2Ngày 22/10, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ đã nhất trí với đề cử của Tổng thống Donald Trump chọn bà Amy Coney Barrett (trong ảnh) làm Thẩm phán Tòa án Tối cao nước này. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal, thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho biết phe Dân chủ đã khởi động việc tìm kiếm, tối ưu hóa các công cụ trong tay.

Tuy nhiên, chính ông Blumenthal cũng thừa nhận “cần phải thấy rõ rằng công cụ mà chúng tôi có là rất hạn chế. Chúng tôi không có giải pháp thần kỳ.”

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa đã tìm cách đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn bà Amy Coney Barrett trước cuộc bầu cử ngày 3/11, bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ.

Từ diễn biến các phiên điều trần của bà Barrett tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện, giới chuyên gia Mỹ nhận định những quan điểm của bà thể hiện xu hướng bảo thủ, phần nào phù hợp với lập trường của đảng Cộng hòa về các vấn đề liên quan đến đạo luật ObamaCare, quyền nạo phá thai, quyền sử dụng súng...

Phe Cộng hòa hy vọng việc bà Barrett được phê chuẩn trước thềm cuộc bầu cử ngày 3/11 không chỉ tạo thêm lợi thế cho cánh bảo thủ trong hệ thống tòa án liên bang, mà còn tạo ra đà thúc đẩy cần thiết cho nỗ lực tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump.

Về quan điểm tư pháp, bà Barrett cũng được đánh giá là người theo “chủ nghĩa nguyên bản,” trong đó các thẩm phán đưa ra quyết định dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng Hiến pháp Mỹ như nguyên bản ban đầu.

Điều đó có nghĩa khi xem xét một vụ tố tụng, bà Barret sẽ đánh giá về khía cạnh xem việc tố tụng đó có phù hợp với quy định của Hiến pháp hay không.

Theo Chuyên gia Elizabeth Freund Larus, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị và Các vấn đề quốc tế của Đại học Mary Washington, đảng Cộng hòa ủng hộ “chủ nghĩa nguyên bản” và đây là cốt lõi trong quan điểm tư pháp của đảng này.

Trong khi đó, đảng Dân chủ có thiên hướng chú trọng hơn tới các hoạt động tư pháp, trong đó, họ áp dụng luật pháp đối với các giá trị của xã hội hiện nay.

Như vậy, có thể thấy việc thúc đẩy đề cử đối với bà Barrett sẽ mang lại lợi ích về lâu dài cho đảng Cộng hòa khi cán cân tư tưởng tại Tòa án Tối cao sẽ vận động nghiêng về lập trường của đảng Cộng hòa trong dài hạn, do “nhiệm kỳ” của Thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ kéo dài cho đến khi người đó qua đời.

Việc Thượng viện Mỹ thông qua đề cử đối với bà Barrett đã chính thức chấm dứt những đồn đoán về việc khả năng sẽ có thêm một nhân vật mang lập trường bảo thủ tại Tòa án Tối cao hay không, thay vào đó, vấn đề trọng tâm cần đề cập đến hiện nay là những kịch bản xảy ra sau khi cán cân tại Tòa án Tối cao đã ngã ngũ với phe bảo thủ có tỷ lệ đa số 6/3.

Những quan điểm về luật pháp của bà Barrett cho thấy “chủ nghĩa nguyên bản” sẽ chi phối các quyết định của bà trên cương vị Thẩm phán Tòa án Tối cao và tác động đáng kể đến tiến trình bầu cử Mỹ ở những mức độ khác nhau, trong bối cảnh đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn tiếp tục có những bất đồng về hình thức bỏ phiếu và kiểm phiếu.

Cán cân Tòa án Tối cao và cục diện chính trường Mỹ ảnh 3Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống Mỹ 2020 tại điểm bầu cử ở North Charleston, bang Nam Carolina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về phương diện này, việc Thượng viện Mỹ nhanh chóng thúc đẩy xác nhận đề cử đối với bà Barrett xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của Tòa án Tối cao trong trường hợp nảy sinh tranh cãi về kết quả bầu cử dẫn đến phải kiểm phiếu lại.

Theo quy định bầu cử Mỹ, kết quả bầu cử tổng thống được quyết định bằng phiếu đại cử tri. Kết quả về số phiếu đại cử tri dự kiến sẽ được công bố vào ngày 14/12. Ngày 8/12 là hạn chót để giải quyết những bất đồng về phiếu đại cử tri.

Trong cuộc bầu cử năm nay, do dịch bệnh COVID-19, nhiều bang sẽ kiểm những lá phiếu được bỏ qua đường bưu điện ngay cả khi phiếu đó được chuyển đến sau ngày bầu cử.

Một số bang có quy định rất chặt chẽ về việc bỏ phiếu qua bưu điện, theo đó, việc kiểm phiếu chỉ được tiến hành khi lá phiếu được gửi đến trong một phong bì đặc biệt.

Một số cử tri có thể không tuân thủ hướng dẫn hoặc không đánh dấu rõ ràng vào lá phiếu, hoặc không nắm rõ quy định này. Tất cả những vấn đề phát sinh như vậy cần được giải quyết trước ngày 8/12.

Các cử tri Mỹ chắc chắn không thể quên những vấn đề nảy sinh từ cuộc bầu cử năm 2000. Vào thời điểm đó, Tòa án Tối cao đã can thiệp vào việc kiểm phiếu tại bang Florida vì bang này đã quá hạn chót kiểm phiếu.

Do đó, nếu các bang không giải quyết những vấn đề phát sinh trước ngày 8/12, có thể Tòa án Tối cao sẽ can thiệp để kết thúc quá trình kiểm phiếu và tuyên bố ứng cử viên đắc cử sẽ là người giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn tại thời điểm đó. 

Ngược lại, nếu Tòa án Tối cao không can thiệp và các vấn đề về phiếu bầu không được giải quyết, cũng như đại cử tri đoàn không thể nhóm họp trước ngày tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức 20/1/2021, Hiến pháp Mỹ sẽ cho phép quốc hội có thể chỉ định một tổng thống tạm quyền.

Theo đạo luật bầu cử năm 1947, trong trường hợp không có cả tổng thống và phó tổng thống, chủ tịch hạ viện sẽ là tổng thống tạm quyền vào ngày nhậm chức này.

Nếu đảng Dân chủ vẫn duy trì quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, cũng như bà Nancy Pelosi tiếp tục là Chủ tịch Hạ viện, bà sẽ là tổng thống tạm quyền.

Kịch bản thứ hai liên quan đến vấn đề nhân sự của Tòa án Tối cao. Trong trường hợp ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đắc cử, nhiều khả năng ông Biden sẽ thực hiện tuyên bố về việc bổ sung nhân sự vào Tòa án Tối cao trong nỗ lực làm cân bằng cán cân tư tưởng tại cơ quan tư pháp cao nhất nước Mỹ này. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa nỗ lực này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Như nhận định của chuyên gia Elizabeth Freund Larus, tổng thống Mỹ không phải là người duy nhất có quyền bổ sung nhân sự cho Tòa án Tối cao. Quốc hội cũng có vai trò lớn trong quyết định này.

Mặc dù Hiến pháp Mỹ không quy định số lượng thẩm phán tại Tòa án Tối cao, tuy nhiên, để bổ sung nhân sự vào cơ quan tư pháp này, quốc hội phải xây dựng một đạo luật liên quan, được sự đồng thuận lưỡng viện, sau đó tổng thống sẽ ký ban hành để đạo luật chính thức có hiệu lực.

Khi đó, theo quy trình thực thi, tổng thống sẽ đề cử nhân sự vào Tòa án Tối cao và thượng viện sẽ thông qua đề cử này, giống như trường hợp của bà Barrett hiện nay.

Bởi vậy, việc ông Biden đắc cử chỉ là điều kiện cần để hiện thực hóa đạo luật này. Điều kiện đủ là đảng Dân chủ phải giành quyền kiểm soát được thượng viện và duy trì được thế đa số tại hạ viện.

Do đó, việc Thượng viện Mỹ thông qua đề cử bà Barrett trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ càng khiến cuộc đua giành quyền kiểm soát lưỡng viện của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trở nên khốc liệt hơn trong vài ngày tới.

Có thể nói, bất chấp kết quả cuộc bầu cử sắp tới ra sao, quyết định của Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà Amy Coney Barrett cũng là một nhân tố góp phần tái định hình lại Tòa án Tối cao Mỹ trong nhiều thập niên, cả về các vấn đề xã hội và kinh tế.

Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong trường hợp nảy sinh những tranh cãi về kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, mà với thẩm quyền tư pháp hiến định, những phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ sẽ có những tác động lớn tới đời sống chính trị đất nước trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục