"Cần cơ chế đặc thù cho người có HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế"

Theo tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đa số người có HIV đều rất nghèo, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù để những trường hợp này có thể tham gia bảo hiểm y tế.
"Cần cơ chế đặc thù cho người có HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế" ảnh 1Người dân xét nghiệm HIV. (Ảnh: TTXVN)

Việc các tổ chức quốc tế cắt giảm tài trợ thuốc ARV điều trị cho người có HIV đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam khi hơn 90% bệnh nhân đang được điều trị miễn phí. Bảo hiểm Y tế Việt Nam đã quyết định sẽ chi trả tiền thuốc ARV cho các bệnh nhân nhưng hiện chỉ có khoảng 30% người có HIV tham gia bảo hiểm y tế.

Theo tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đa số người có HIV đều rất nghèo, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù để những trường hợp này có thể tham gia bảo hiểm y tế.

“Tôi không đủ tiền…”

Phát biểu tại một hội thảo vừa được Bộ Y tế tổ chức mới đây, chị P.T.H, một bệnh nhân có HIV tại Bắc Ninh chia sẻ, chị đã phát hiện mắc bệnh từ năm 2000 và được điều trị ARV từ năm 2011. Nhờ có ARV, vợ chồng chị đã có thể sinh con mà con không bị nhiễm HIV, bản thân chị vẫn khỏe mạnh và có thể làm việc, chăm sóc gia đình, con cái.

[Kinh phí mua thuốc ARV: Bài toán chưa có lời giải]

“Tuy vậy, tôi được biết thời gian tới sẽ không còn viện trợ của quốc tế cho điều trị ARV mà thay vào đó sẽ dùng quỹ bảo hiểm y tế. Tôi biết nhiều người nhiễm HIV không có điều kiện kinh tế để tham gia,” chị H. chia sẻ.

Theo chị H., không ít gia đình có nhiều thành viên cùng nhiễm HIV. Các bệnh nhân có HIV cũng phải chi phí cho điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Trong khi đó, đa số các bệnh nhân có HIV kinh tế gia đình khó khăn, sức khỏe không như người bình thường, không có công việc ổn định.

Lấy ví dụ từ chính gia đình mình, chị H. cho biết, nhà chị có 6 người nhiễm HIV, trong đó có 4 người đã mất. Hiện gia đình chị có hai người nhiễm HIV và bản thân chị cũng còn phải chăm lo cho ba con nhỏ, hai bố mẹ già.

Trong nhóm tự lực "Ngày mai tươi sáng" của chị, có đến 90% phụ nữ nhiễm HIV đã mất chồng, cuộc sống bấp bênh, ai thuê gì làm nấy. Vì thế, việc mua thẻ bảo hiểm y tế và cùng chi trả chi phí điều trị đối với nhiều người trong nhóm rất khó khăn.

“Một số anh chị em đã nhiễm HIV còn bị thêm bệnh lao hay viêm gan C thì việc điều trị là cả một vấn đề lớn, có người phải từ bỏ điều trị bệnh đồng nhiễm vì không chi trả được. Ngoài ra, còn một bộ phận người nhiễm HIV không điều trị tại địa phương nơi mình sống và làm việc vì e ngại sẽ bị lộ tình trạng bệnh và bị kỳ thị, phân biệt đối xử…” chị H. cho biết.

"Cần cơ chế đặc thù cho người có HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế" ảnh 2Dù đã nhiễm HIV 13 năm, được điều trị ARV, anh Lò Văn Tân (Điện Biên) vẫn khoẻ mạnh. Vợ và con anh không bị nhiễm HIV. (Ảnh: Thuỳ Giang/Vietnam+)

Cần cơ chế đặc thù

Theo tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Việt Nam bắt đầu điều trị ARV từ năm 2004 và đến nay đã cán đích điều trị ARV cho 100.000 bệnh nhân.

Ông Long chi biết, điều trị ARV không chỉ tăng sức khỏe cho bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giảm nhiễm trùng cơ hội mà còn giảm 90% khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Một nghiên cứu của quốc tế cho thấy nếu đầu tư 1 USD cho ARV thì sẽ giảm được 7 USD cho xã hội.

[Nguy cơ bùng phát HIV kháng thuốc ở Việt Nam nếu thiếu ARV]

Cụ thể, các tính toán cho thấy, trong 15 qua, ​Việt Nam đã giảm được khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV, cứu 150.000 không bị tử vong vì HIV, trong đó đóng góp của ARV là rất lớn.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 227.000 người nhiễm HIV. Theo đó, số bệnh nhân HIV được điều trị ARV vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn, dưới 50%.

Thời gian tới, nếu nguồn viện trợ ARV bị cắt giảm và chỉ trông vào bảo hiểm y tế thì sẽ là thách thức rất lớn để có thể đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020.

“Chỉ tiêu cao nhưng chi phí lại bị cắt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS là buộc phải làm và làm càng sớm thì chi phí càng giảm, xã hội càng phát triển,” ông Long nói.

Vì thế, giai đoạn 2016-2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tập trung theo định hướng mới: chuyển từ phòng chống HIV/AIDS dựa vào viện trợ sang phân cấp và lồng ghép vào hệ thống y tế, chủ yếu sử dụng ngân sách trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế.

Cụ thể, hệ thống cơ sở phòng chống HIV/AIDS sẽ được lồng ghép, cơ cấu trực tiếp vào các bệnh viện. Về kinh phí, ba giải pháp được hướng đến là tăng ngân sách, bảo hiểm y tế và huy động các nguồn xã hội hóa.

Ông Long cho biết, Bộ Y tế đã trình các bộ, ngành, địa phương tăng chi phí cho hoạt động phòng, chống HIV và đã có 39 tỉnh, thành phê duyệt.

“Riêng về bảo hiểm y tế, Cục cũng sẽ nỗ lực tuyên truyền để tăng tỷ lệ người có HIV tham gia, nhưng đây rõ ràng là một thách thức lớn. Chúng tôi đã đề nghị có cơ chế đặc thù, có thể cấp miễn phí, để tạo điều kiện cho người có HIV tham gia bảo hiểm y tế. Cần hiểu việc điều trị ARV không chỉ vì người có HIV mà còn vì sự phát triển chung của cả cộng đồng,” ông Long nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục