Cần quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo

Nhiều đại biểu tán thành việc dự thảo Luật dành hẳn một chương quy định các biện pháp bảo vệ nhằm bảo đảm an toàn cho người tố cáo.
Sáng 18/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật tố cáo tập trung vào các nội dung như xác định chủ thể tố cáo, tố cáo và giải quyết tố cáo trong trường hợp không rõ họ tên người tố cáo, địa chỉ người tố cáo, các hình thức tố cáo; giám sát công tác giải quyết tố cáo...

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật tố cáo nhằm bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo công khai, minh bạch, hiệu quả.

Đối với quy định bảo vệ người tố cáo, nhiều đại biểu tán thành với việc dự thảo Luật dành hẳn một chương quy định các biện pháp bảo vệ người tố cáo, nhằm bảo đảm an toàn cho người tố cáo, khuyến khích công dân tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần hạn chế tố cáo nặc danh.

Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) đề nghị, dự thảo Luật cần có cơ chế bảo vệ cả người thân của người tố cáo và người bị tố cáo, vì trên thực tế, nhiều người bị tố cáo đã bị đe dọa, lăng mạ, thậm chí hành hung.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ quan có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người bị tố cáo. Một số đại biểu đề cập đến vấn đề bảo vệ bí mật thông tin người tố giác cho rằng, tố cáo là quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đây cũng là việc làm nguy hiểm, nhiều trường hợp bị trả thù, gây tổn hại sức khỏe và tính mạng của người tố cáo. Do vậy, dự thảo Luật cần đưa ra cơ chế bảo vệ bí mật đối với người tố cáo và có chế tài xử lý đối với người làm lộ bí mật người tố cáo.

Cho ý kiến vào chủ thể tố cáo, các đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang), Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) và một số đại biểu cho rằng chỉ nên quy định chủ thể tố cáo là công dân như trong Hiến pháp và Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành, không nên đưa chủ thể là tổ chức vào Luật.

Bởi nếu chủ thể tố cáo là tập thể, sẽ không thể xử lý nếu tố cáo là sai sự thật, vi phạm pháp luật. Đối với trường hợp đơn thư khiếu nại không rõ tên địa chỉ, các đại biểu đề nghị đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ cụ thể của người tố cáo, để các cơ quan chức năng có cơ sở giải quyết cũng như nâng cao trách nhiệm của người công dân trong hoạt động tố cáo.

Thực tế cho thấy, đơn thư không rõ họ tên, địa chỉ tố cáo sai sự thật rất nhiều, gây mất ổn định xã hội. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật hiện hành cũng không quy định xem xét, giải quyết tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) và nhiều đại biểu đề nghị, luật cần có cơ chế thích hợp để tiếp nhận, giải quyết đối với những đơn tố cáo mà người tố cáo không dám đứng tên, hoặc đề nghị giấu tên, nhưng đơn tố cáo có nội dung rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng nên mở rộng chủ thể là tổ chức, vì thực tế nhiều vụ việc người bị thiệt hại là tập thể hoặc cả khu dân cư như nạn ô nhiễm môi trường, tham nhũng.

Trong những trường hợp này, việc tập thể đứng đơn tố cáo sẽ nâng cao tính pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho cả tập thể. Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình cho rằng quy định như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân. Theo đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) với những thiệt hại do tập thể gây ra, thì tập thể đó cũng phải được đưa vào đối tượng bị tố cáo….

Các đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) và một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu mở rộng tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử... nhất là khi nước ta đã có Luật giao dịch điện tử, nhằm nâng cao quyền và nghĩa vụ công dân trong phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.

Đại biểu Trường cho rằng nên chấp nhận hình thức tố cáo quan điện thoại, fax, thư điện tử… quan trọng nhất là có nội dung hay không, nếu gọi điện thoại báo tin mà mà xưng danh đầy đủ, thậm chí có cả số điện thoại liên hệ thì có thể chấp nhận được.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang) cho rằng, quy định rõ ràng về tên, địa chỉ đối với đơn thư tố cáo chỉ thuận lợi cho các cơ quan chức năng giải quyết chứ không thuận lợi cho người tố cáo.

Đại biểu Bình đề nghị đối với những đơn thư nặc danh có nội dung rõ ràng, thông tin cụ thể sẽ được xem xét. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Nương (Cao Bằng) cho rằng, không nên giải quyết đơn thư qua điện thoại, fax, thư điện tử vì căn cứ giải quyết đối với hình thức này không cao, thậm chí không thể giải quyết nổi…

Đại biểu Củng Thị Mẩy (Hà Giang) và một số đại biểu cho rằng công tác giải quyết tố cáo thời gian qua có lúc, có nơi làm không đến nơi đến chốn, một số cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong việc giải quyết đơn tố cáo, nên người tố cáo gửi đơn nhiều nơi, gửi đơn vượt cấp.

Do vậy, luật cần có quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người giải quyết tố cáo nếu cố tình kéo dài gây khó khăn. Đặc biệt, các ban, ngành chức năng cần có những biện pháp, chính sách lớn, nhằm giảm tố cáo một cách căn bản…/.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục