Hiện nay, thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng với các quan điểm, ý kiến khác nhau xoay quanh việc cấm hay cho phép lưu hành mặt hàng này.
Vì vậy, cần phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước.
[Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo mối nguy hại của thuốc lá điện tử]
Thông tin trên được các chuyên gia nhấn mạnh tại Tọa đàm về “Quản lý thuốc lá thế hệ mới - Cần góc nhìn mới," do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, diễn ra chiều 7/1, tại Hà Nội.
Việt Nam là một trong 15 nước tiêu thụ thuốc lá cao
Hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây hại cho sức khỏe con người và Việt Nam hiện là một trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới. Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình thuốc lá mới (được gọi chung là thuốc lá thế hệ mới) đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ.
Tại Việt Nam, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã xuất hiện ở nhiều kênh khác nhau dù chưa được phép thương mại. Dựa vào nhu cầu của người dùng trong nước, các sản phẩm được đưa vào Việt Nam thông qua buôn lậu trái phép hoặc nhập khẩu theo đường xách tay. Tình trạng nhập lậu ngày càng đáng báo động trong khi các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vì sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ban hành năm 2012. Vào thời điểm ban hành luật, chưa có thuốc lá thế hệ mới tại thị trường Việt Nam nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa luật không áp dụng được cho những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại thời điểm hiện nay.
Bà Quỳnh Liên cho biết tại phiên họp Các bên lần thứ 8 (COP8) về Kiểm soát Thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định thuốc lá làm nóng - một trong những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, là sản phẩm thuốc lá và kêu gọi các nước quản lý theo Luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của quốc gia. Do WHO đã chính thức công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá, do vậy việc cần làm tiếp theo là áp dụng luật kiểm soát thuốc là hiện hành đối với sản phẩm này như thế nào cho phù hợp.
Bà Liên nhấn mạnh: “Thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nói riêng vừa là một loại hàng hóa trong sản xuất và kinh doanh, vừa là loại sản phẩm có tác động, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, việc quản lý đối với loại sản phẩm này phải bảo đảm cả hai yêu cầu quản lý đối với hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh và quản lý theo các yêu cầu, điều kiện chặt chữ để giảm thiểu và ngăn chặn những ảnh hưởng, tác hại tới sức khỏe của người tiêu dùng”.
Cần hoàn thiện chính sách quản lý
Trong 4 năm qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã thực hiện các bước để xây dựng chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới; trong đó bao gồm các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Ông Vũ Đức Nam - Phó Phòng Công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết nhu cầu quản lý thuốc lá thế hệ mới là cần thiết và nhiệm vụ này cũng đã kéo dài trong nhiều năm qua, do vậy cần sớm có các giải pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý. Hiện Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý riêng đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.
Ông Nam cho hay trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan vào cuối tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy Ban thường vụ Quốc hội cho biết: “Nhu cầu về khung pháp lý nhằm kiểm soát những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là cấp thiết, nhằm giúp cho các cơ quan ban ngành chức năng có đủ công cụ để chế tài, xử phạt nghiêm minh các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, một chính sách quản lý phù hợp các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn còn đang bị bỏ ngỏ quá lâu. Trước những thực tiễn cấp thiết như hiện nay cần khẩn trương đưa ra một lộ trình thích hợp để có thể đẩy nhanh tiến trình quản lý."
Theo ông Nhưỡng, việc thiếu chính sách quản lý tồn tại nhiều năm qua đã và đang gây ra những tổn thất, phương hại về mặt kinh tế và xã hội. Chính phủ, các cơ quan quản lý, các chủ thể liên quan và người tiêu dùng nói chung đã chờ đợi một chính sách quản lý đối với thuốc là thế hệ mới từ nhiều năm nay. Với sự nỗ lực của Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan, rất mong các đề xuất quản lý trong thời gian tới sẽ sớm có quyết định.
Ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp thực phẩm, Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho hay từ năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia có chính sách và biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá làm nóng như các sản phẩm thuốc lá điếu, căn cứu các điều trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (FCTC). Trong báo cáo năm 2021, WHO cũng khuyến cáo các sản phẩm mới, kể cả thuốc lá điện tử, cần được đưa vào phương pháp tiếp cận toàn diện để kiểm soát thuốc lá.
Những khuyến cáo của WHO và các biện pháp quản lý của Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu có tác động mạnh mẽ đến xu hướng quản lý các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay.
Tại tọa đàm, các đại biểu và chuyên gia đã thảo luận sâu về chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, cách tiếp cận mới phù hợp với các bên liên quan và thực tiễn xã hội ở Việt Nam nhằm góp thêm góc nhìn để tham mưu cho Bộ Công Thương về chính sách quản lý đối với sản phẩm này, tiến tới trình Chính phủ trong thời gian tới.
Dựa trên ý kiến của các bộ ngành trong đó bao gồm mối quan ngại của Bộ Y tế về tác động của sản phẩm đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Công Thương cũng đã có những đề xuất trình Chính phủ trong thời gian qua và hướng tiếp cận mới nhất là phương án thí điểm cấp phép đối với thuốc là làm nóng - sản phẩm thuốc là thế hệ mới có thành phần thuốc lá./.