Cần thiết lập cơ sở dữ liệu về các nhà cung ứng trong nước

Theo chuyên gia, để tận dụng hiệu quả cơ hội của TPP và EVFTA, các địa phương cần thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại về các doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng trong nước.
Cần thiết lập cơ sở dữ liệu về các nhà cung ứng trong nước ảnh 1Bốc xếp hàng container tại Tân cảng Cao Lãnh. (Ảnh minh họa: Văn Trí/TTXVN)

Để tận dụng hiệu quả cơ hội của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), các tỉnh thành cần thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại về các doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng trong nước nhằm xác định các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho doanh nghiệp FDI.

Ông Nestor Scherbey, chuyên gia tư vấn cao cấp của tổ chức Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Việt Nam (VTFA) đưa ra khuyến nghị đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh trong một hội nghị tổ chức tại Đồng Nai.

Phát biểu tại hội nghị “Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại” được tổ chức ngày 4/4, ông Nestor Scherbey cho rằng hoạt động thương mại của thế kỷ 21 đòi hỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp để lưu chuyển hàng hóa trung gian và thành phẩm đi khắp nơi trên thế giới.

Các công ty đa quốc gia sẽ cần xác định, lên kế hoạch và thực hiện các thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình để có thể đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của ​TPP, EVFTA và các hiệp định thương mại khác. Đây là điều thiết yếu để các công ty muốn tận dụng được các ưu đãi về thuế mà những hiệp định này có thể đem lại khi xuất khẩu hàng thành phẩm sang thị trường các nước thành viên TPP và châu Âu.

Theo ông Scherbey, với sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật, chính quyền các tỉnh cần thực hiện các cuộc khảo sát về các doanh nghiệp FDI để xác định cụ thể những loại nguyên liệu và hàng hóa trung gian mà các nhà sản xuất trong nước có thể cung cấp cho doanh nghiệp FDI để đảm bảo sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu đủ điều kiện được hưởng ưu đãi TPP và EVFTA.

Đối với các doanh nghiệp, cần chứng minh có đủ điều kiện thông qua việc duy trì hồ sơ ít nhất 3 năm đối với EVFTA và 5 năm đối với TPP.

Về phần mình, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế-VCCI, cho biết việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố rất quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Kết quả điều tra của VCCI về PCI trong các doanh nghiệp FDI và TPP cho thấy lợi thế của môi trường kinh doanh Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh trong 4 lĩnh vực gồm mức thuế, rủi ro bị thu hồi tài sản, sự bất ổn chính trị và mức ảnh hưởng chính sách. Nhưng 4 lĩnh vực đánh giá trên cho kết quả vẫn ở mức thấp.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng đầu vào từ các nhà cung cấp nội địa ngày càng gia tăng. Có trên 70% doanh nghiệp FDI dành trên 5% thời gian để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngoài các vấn đề về cơ sở hạ tầng giao thông và các dịch vụ khác kèm theo thì việc xác định đầu tư về hạ tầng logistics là rất cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Scherbey cho rằng các chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi hàng hóa luôn sẵn sàng trong kho. Đây chính là cơ hội mới để ưu tiên đầu tư vào các trung tâm logistics./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục