"Cần thiết tăng tính minh bạch trong xuất khẩu gạo"

Để ai cũng được hưởng lợi một cách công bằng trong sự phát triển ngành lúa gạo cần có sự chung tay của doanh nghiệp và nông dân.
Để có được sự phát triển bền vững ngành lúa gạo ở Việt Nam, ai cũng phải được hưởng lợi một cách công bằng,  và tương lai này hoàn toàn có thể đạt được nếu các bên liên quan đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Hội Liên hiệp lương thực, các doanh nghiệp và đại diện người trồng lúa cùng chung tay phát triển, tạo dựng chuỗi nông nghiệp bền vững.
 
Đó là nhận định của bà Lê Nguyệt Minh, Giám đốc Chiến dịch GROW thuộc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết tại buổi lễ công bố báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao?”, do Viện  Chính  sách  và  Chiến  lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cùng với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức sáng nay (17/10), tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn-Phó Viện Trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn, cho hay: Người nông dân Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ việc giá gạo thế giới tăng giá cao; do vậy, các bên liên quan cần có sự chung tay để phát triển ngành lúa gạo theo hướng cùng được lợi.

[Bí ẩn bài toán: Ai hưởng lợi khi giá gạo thế giới tăng?]

Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu có mặt tại buổi lễ đều cho rằng về chính sách điều hành, Nhà nước cần phải thành lập Ban điều hành lúa gạo với sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân, chịu trách nhiệm dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, quy hoạch vùng trồng lúa.

Mặt khác, Nhà nước cần nhấn mạnh, chú trọng vai trò thực sự, tiếng nói thực sự của người nông dân trong quá trình điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo để đảm bảo quyền lợi của nông dân. Các chính sách trước khi áp dụng cần được thí điểm bằng mô hình tại một hay một số địa phương,sau đó rút kinh nghiệm, chỉnh sửa trước khi nhân rộng. Các chính sách khi áp dụng cần được thường xuyên đánh giá bằng các cơ quan độc lập.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gạo cũng rất cần thiết, nhưng đặc biệt là tăng tính minh bạch trong xuất khẩu gạo và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm gạo.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, điều này có thể được thực hiện thông qua: Thực hiện cơ chế đấu thầu trong việc phân bố các hợp đồng liên chính phủ (G2G) giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đồng thời đẩy mạnh xây dựng các kho dự trữ gạo, đạt 4 triệu tấn/kho với đầy đủ trang thiết bị để đảm bảo chất lượng gạo sau thu hoạch góp phần chấm dứt tình trạng trúng mùa rớt giá.

Bên cạnh đó, mức giá sàn thu mua cần được đưa ra ngay từ đầu vụ, giá sàn cần tính đủ các chi phí thành phần. Phương pháp tính giá sàn cần có hệ số để phản ánh được sự biến động trong giá đầu vào cũng như sự khác biệt về địa hình, thời tiết giữa các địa bàn gây ra sự khác biệt về chi phí sản xuất. Trên cơ sở đó, giá thu mua nên được thống nhất giữa người nông dân và các doanh nghiệp ngay từ đầu mỗi vụ./.


Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục