Cần Thơ: Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng xây đường ống dẫn khí

Cần Thơ chỉ đạo huyện Thới Lai, quận Ô Môn đẩy nhanh giải phóng 91,2ha mặt bằng để thi công đường ống dẫn khí từ vùng biển Tây Nam về tỉnh.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, tỉnh đang chỉ đạo huyện Thới Lai và quận Ô Môn đẩy nhanh tiến độ giải phóng 91,2ha mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công đường ống dẫn khí từ vùng biển Tây Nam về Cần Thơ trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, Trung tâm Phát triển Quỹ đất Cần Thơ phối hợp cùng chủ đầu tư thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ủy ban Nhân dân huyện Thới Lai, quận Ô Môn và 9 xã phường liên quan tổ chức công bố quy hoạch cho 894 hộ chịu ảnh hưởng của dự án xây dựng đường ống dẫn khí biết các thông tin về diện tích đất bị thu hồi, mức bồi thường cụ thể đối với từng loại đất của từng hộ, thời điểm kiểm kê, đo đạc, công khai hóa bản đồ giải tỏa, thời điểm thu hồi đất.

Công tác trên phải được thực hiện đúng luật, đúng tiến độ trên cơ sở giải thích cặn kẽ, thấu lý đạt tình để người dân thông suốt, không để xảy ra khiếu kiện, tranh chấp kéo dài hoặc xuất hiện hành vi cản trở thi công.

Theo Ban Quản lý dự án khí Tây Nam Bộ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công trình xây dựng tuyến ống dẫn khí từ lô B vùng biển Tây Nam về Cần Thơ đã được khởi công từ tháng 11/2009, với kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Tổng chiều dài tuyến ống 398km, trong đó có 246km trên biển và 152km trong đất liền, đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ.

Đơn vị thi công tuyến đường ống dẫn khí nói trên là Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-Xô và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với 5 địa phương nêu trên khảo sát thực địa để giải phóng 660ha mặt bằng với chiều dài 120km, rộng 55m để xây dựng tuyến kênh vận chuyển thiết bị, vật tư phục vụ thi công tuyến đường ống dẫn khí. Trong đó, diện tích mặt bằng phải giải tỏa trên địa bàn Cần Thơ là 91,2ha, dài 28km.

Trong tương lai, đường ống dẫn khí nói trên sẽ kết nối với hệ thống đường ống dẫn khí khu vực Đông Nam Á và hệ thống đường ống dẫn khí miền Đông Nam Bộ nhằm cân đối nhu cầu về năng lượng khí của Việt Nam.

Khi được đưa vào sử dụng, dự án góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo cơ sở thiết lập một trung tâm năng lượng ở khu vực, tiết kiệm nguồn ngoại tệ đáng kể về nhập khẩu năng lượng; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường do sử dụng nguyên liệu sạch, là cơ sở để quy hoạch và phát triển công nghiệp sử dụng khí ở các địa phương nơi có đường ống đi qua.

Qua đó, tăng nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục