Canada hỗ trợ các doanh nghiệp lớn với nhiều điều kiện nghiêm ngặt

Chính phủ Canada đã công bố chương trình LEEFF nhằm cung cấp khoản hỗ trợ cho các chủ doanh nghiệp lớn của Canada trong trường hợp họ không thể vay được từ các ngân hàng tư nhân.
Thủ tướng Justin Trudeau tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở Ottawa, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Justin Trudeau tại cuộc họp báo về dịch COVID-19 ở Ottawa, Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Canada đã công bố một chương trình mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp lớn - gồm cả các hãng hàng không và các tập đoàn dầu khí - chịu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng lưu ý nguồn tiền của chính phủ sẽ đi kèm với những “điều kiện nghiêm ngặt.”

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu với báo giới ngày 11/5, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau và Bộ trưởng Đổi mới Navdeep Bains đã công bố chương trình mới có tên là Phương tiện Thanh toán khẩn cấp cho doanh nghiệp lớn (LEEFF), nhằm cung cấp khoản hỗ trợ cho các chủ doanh nghiệp lớn của Canada, trong trường hợp họ không thể vay được từ các ngân hàng tư nhân.

Cụ thể, khi tham gia chương trình này, các doanh nghiệp cần áp đặt giới hạn mức cổ tức, mức lương cho người điều hành và cam kết đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Canada.

Những doanh nghiệp đã từng trốn thuế sẽ không được phép tham gia LEEFF.

Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định đây không phải là gói cứu trợ mà là các khoản cho vay bắc cầu.

Chính phủ hiện vẫn đang xây dựng chương trình chi tiết. LEEFF sẽ được triển khai qua Tập đoàn Đầu tư phát triển Canada, một tổ chức thuộc Chính phủ Canada, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và Bộ Đổi mới của liên bang.

Chương trình LEEFF sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn, thậm chí với cả một số doanh nghiệp phi lợi nhuận, giúp các công ty (có doanh thu hằng năm tối thiểu 300 triệu CAD) tìm kiếm nguồn tài chính khoảng 60 triệu CAD trở lên.

Các doanh nghiệp này phải có nhiều hoạt động ở Canada và không thuộc diện không trả được nợ.

[Canada: Dịch COVID-19 đẩy nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần]

Chính phủ Canada cũng thông báo sẽ mở rộng chương trình tín dụng doanh nghiệp dành cho các công ty có quy mô vừa, cung cấp khoản cho vay lên tới 60 triệu CAD/doanh nghiệp.

Cũng trong ngày 11/5, Chính phủ Pháp đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 140 triệu euro (151 triệu USD) các nhà sản xuất rượu tại quốc gia này chưng cất sản phẩm dư thừa để lấy cồn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ rượu giảm vì các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa trong khi hoạt động xuất khẩu cũng chậm lại do các mức thuế mới của Mỹ.

Cụ thể, chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume và Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire xác nhận chính phủ đã nhất trí cơ chế hỗ trợ chưng cất trị giá 140 triệu euro.

Các công ty vừa và nhỏ cũng sẽ được miễn các phí an sinh xã hội.

Tuy nhiên, khoản tiền trên vẫn là khá khiêm tốn so với gói cứu trợ 500 triệu euro mà nghiệp đoàn nông dân lớn nhất tại Pháp đề xuất để hỗ trợ các nhà sản xuất rượu, trong đó bao gồm khoảng 260 triệu euro cho việc chưng cất khoảng 300 triệu lít rượu để lấy cồn với chi phí khoảng 80 euro/100 lít.

Kế hoạch của chính phủ chỉ bao gồm khoản hỗ trợ để chưng cất 200 triệu lít rượu dư thừa với chi phí khoảng 70 euro/100 lít.

Hồi tháng trước, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã quyết định sẽ hỗ trợ các biện pháp quản lý khủng hoảng trong ngành sản xuất rượu và các lĩnh vực nông nghiệp khác chịu tác động của cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục