Căng thẳng khí đốt Nga-Ukraine gia tăng

Cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng căng thẳng khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 5/1 đã chấp thuận đề nghị của Tập đoàn khí đốt Gazprom cắt giảm ngay 65,3 triệu m3 từ lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine, đúng bằng khối lượng khí đốt mà Mátxcơva đã cáo buộc Kiev "rút trộm".

Cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng căng thẳng khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 5/1 đã chấp thuận đề nghị của Tập đoàn khí đốt Gazprom cắt giảm ngay 65,3 triệu m3 từ lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine, đúng bằng khối lượng khí đốt mà Mátxcơva đã cáo buộc Kiev "rút trộm".

Đại diện Gazprom cùng ngày cho biết Gazprom nhận được thông tin về việc Ukraine rút trộm khí đốt xuất khẩu sang châu Âu từ phía các khách hàng nước ngoài và các quan sát viên độc lập.

Như vậy Ukraine đã vi phạm tuyên bố chung của Tổng thống và Thủ tướng nước này ngày 1/1 là Ukraine sẽ đảm bảo vận chuyển liên tục và an toàn khí đốt của Nga sang các nước châu Âu cũng như vi phạm Hiến chương năng lượng mà Ukraine đã tự nguyện phê chuẩn.

Để bù cho khách hàng châu Âu lượng khí đốt bị thiếu hụt khi trung chuyển qua Ukraine, Gazprom đã tăng lượng khí đốt trung chuyển qua lãnh thổ Belarus, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ qua hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" cũng như mua lại khí đốt tại các kho dự trữ ở châu Âu.

Theo Gazprom, Ukraine sẽ phải thanh toán số tiền mua khí đốt này và như vậy toàn bộ khoản nợ của Ukraine sẽ lên đến hàng tỉ USD.

Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế Pháp
Christine Lagarde ở Paris ngày 5/1, Phó Chủ tịch Gazprom Alexander Medvedev đã khẳng định sẽ thực hiện mọi cam kết với các đối tác châu Âu về cung ứng khí đốt. Ông cũng cho biết sẽ thông qua tòa án để buộc Ukraine phải thực hiện các điều kiện của hợp đồng trung chuyển khí đốt.

Ông Medvedev cáo buộc Kiev đã thổi phồng cuộc tranh cãi khí đốt với Mátxcơva. Theo ông, các vấn đề nảy sinh xung quanh việc cung cấp khí đốt này xuất phát từ những tranh chấp về chính trị tại chính Ukraine.

Ngày 6/1, phái đoàn EU do Bộ trưởng Công nghiệp Séc (nước Chủ tịch luân phiên EU) Martin Riman dẫn đầu tới Kiev để thảo luận với phía Ukraine về việc vận chuyển khí đốt của Nga tới EU.

Cũng tại cuộc họp ngày 5/1, người phát ngôn của Chủ tịch luân phiên EU cảnh báo nếu tranh chấp khí đốt Nga/Ukraine vẫn tiếp diễn, EU phải tính đến việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, tìm kiếm các giải pháp thay thế nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.

Các nhà lãnh đạo EU đang nhắm tới Na Uy, nước hiện đảm bảo 15% nhu cầu năng lượng của EU, và Algeria. EU cũng có kế hoạch tài trợ cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nabucco từ biển Caspian và Iran qua Thổ Nhĩ Kỳ mà không qua Nga. Ba Lan cũng đang dự kiến xây dựng trạm tiếp nhận khí đốt từ các mỏ phía Bắc.

Tuy nhiên, các kế hoạch này của EU đang gây chia rẽ khối này với một bên ủng hộ gồm các nước thành viên mới, vốn nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga, và bên kia gồm Đức, Pháp và Italy, có các công ty nhà nước thân với Gazprom. Phía này tỏ ra dè dặt, cho rằng dự án này chưa có nhà cung cấp đáng tin cậy. Hơn nữa, Đức và Nga hiện đang hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc".

Liên quan cuộc khủng hoảng khí đốt nói trên, ngày 5/1, Đảng cộng sản Ukraine đã đề nghị Quốc hội nước này họp gấp để thảo luận về cuộc xung đột khí đốt với Nga. Theo Bí thư thứ nhất Ủy ban trung ương Đảng cộng sản Ukraine Petr Simonenko, Tổng thống Victor Yushchenko và cộng sự phải chịu trách nhiệm chính về quan hệ căng thẳng lên đến đỉnh điểm giữa Nga và Ukraine.

Ông cho rằng Tổng thống đã quyết định đường lối đối ngoại không nhằm phát triển quan hệ bình đẳng và cùng có lợi với Nga, mà  trái lại, muốn biến Nga thành kẻ thù, gây nguy cơ đẩy đất nước vào thảm họa kinh tế-xã hội.


Trong một diễn biến mới nhất, tập đoàn dầu khí Ukraine Naftogaz đã đề nghị Tập đoàn công nghiệp khí đốt Nga Gazprom nối lại cuộc đàm phán để giải quyết cuộc xung đột khí đốt căng thẳng giữa hai bên.

Trong bức thư gửi ban lãnh đạo Gazprom tối 5/1, ban lãnh đạo Naftogaz đã đề nghị tiếp tục cuộc đàm phán giữa hai bên tại thủ đô Kiev của Ukraine nhằm thảo luận điều kiện cung cấp và vận tải quá cảnh khí đốt thời kỳ 2009-2019.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Gazprom khẳng định hai bên đã thoả thuận xong điều kiện vận tải quá cảnh khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine đến năm 2010, vì vậy, không cần thiết bàn và ký hợp đồng mới liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, Gazprom đề nghị phía Ukraine tiếp thục thảo luận điều kiện cung cấp khí đốt tại Mátxcơva theo thông lệ quốc tế quy định tiến hành bàn thảo tại nước cung cấp hàng hoá.

Tối 5/1, Ukraine đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cung cấp viện trợ tài chính khẩn cấp nhằm giúp Naftogaz có thêm kinh phí để ký hợp đồng mới mua khí đốt của Gazprom trong năm 2009. Thông tin này được tiết lộ sau cuộc họp kín giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và phái đoàn Uỷ ban châu Âu (EC) đang có mặt tại thủ đô Kiev nhằm thảo luận vấn đề vận tải khí đốt quá cảnh của Nga sang các nước EU.

Các nhà phân tích cho rằng Ukraine rất cần nguồn viện trợ tài chính lớn của quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh đồng Hryvnia của nước này mất giá nghiêm trọng và ngành luyện kim xuất khẩu trọng yếu của nước này hầu như đang ngừng hoạt động do không có nguồn cầu quốc tế./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục