Căng thẳng Libya làm tăng nỗi lo nguồn cung, đẩy giá dầu tiến hơn 1%

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết với nguồn cung toàn cầu quá eo hẹp như hiện nay, một sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.
Căng thẳng Libya làm tăng nỗi lo nguồn cung, đẩy giá dầu tiến hơn 1% ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở thị trấn Ras Lanuf, miền Bắc Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tăng hơn 1% vào phiên 18/4 với dầu Brent đạt mức cao nhất 114 USD/thùng, khi tình trạng ngưng sản xuất ở Libya càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu vốn đã bị thắt chặt vìg cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,46 USD (tương đương 1,3%) lên 113,16 USD/thùng. Trước đó cùng phiên, hợp đồng dầu tiêu chuẩn toàn cầu đã tăng lên 114,84 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 28/3.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 1,26 USD (1,2%) lên 108,21 USD/thùng, sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 28/3 là 109,81 USD/thùng.

Giới quan sát cho rằng sẽ còn những đợt biến động giá mạnh vì sản lượng toàn cầu trong thời gian tới. Hồi thứ Sáu tuần trước (15/4), hãng tin Nga Interfax đưa tin rằng sản lượng dầu của Nga đã giảm 7,5% trong nửa đầu tháng Tư so với tháng Ba.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết trong tuần trước rằng khối đang soạn thảo các đề xuất cấm dầu thô của Nga. Những bình luận đó được đưa ra trước khi tình hình xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang.

Gia tăng thêm áp lực lên nguồn cung cùng với các lệnh trừng phạt đối với Nga là thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya về "một làn sóng đóng cửa đau đớn" đã bắt đầu ảnh hưởng tới các cơ sở của họ.

Tập đoàn cũng tuyên bố phải dừng hoạt động bất khả kháng tại mỏ dầu Al-Sharara và các địa điểm khác.

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích tại công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết với nguồn cung toàn cầu quá eo hẹp như hiện nay, một sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có thể tác động lớn đến giá cả.

[Libya cảnh báo đóng cửa nhiều cơ sở dầu mỏ do khủng hoảng chính trị]

Trong một tín hiệu có thể giúp thị trường “hạ nhiệt,” nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 3/2022, làm con số tăng trưởng chung của quý đầu tiên bớt “lấp lánh.”

Diễn biến đó cũng làm xấu đi triển vọng vốn đã bị suy yếu bởi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19 của nước này.

Ngoài ra, số liệu mới công bố hôm thứ Hai tuần này cũng cho thấy Trung Quốc đã tinh chế ít dầu hơn khoảng 2% trong tháng Ba so với cùng kỳ một năm trước đó.

Sản lượng dầu cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, do giá dầu thô tăng mạnh đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận trong khi các lệnh phong tỏa phòng dịch làm giảm nhu cầu./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục