Căng thẳng ở QH Thổ Nhĩ Kỳ liên quan dự luật tư pháp

Một vụ ẩu đả nổ ra tại phiên họp Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các cuộc tranh luận nảy lửa về cải cách tư pháp không đi đến hồi kết.
Căng thẳng ở QH Thổ Nhĩ Kỳ liên quan dự luật tư pháp ảnh 1Biểu tình phản đối tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một vụ ẩu đả đã nổ ra tại phiên họp Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/1 sau khi các cuộc tranh luận nảy lửa về cải cách tư pháp không đi đến hồi kết, làm Phó Chủ tịch đảng đối lập Nhân dân Cộng hòa Bulent Tezcan bị thương và phải nhập viện.

Truyền thông địa phương cho hay, cuộc ẩu đả bắt đầu sau khi một nghị sỹ phát biểu đòi con trai của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan phải bị triệu tập để làm chứng trước tòa trong vụ điều tra tham nhũng gây chấn động nước này.

Dự kiến trong chiều 24/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biểu quyết thông qua một dự luật cho phép chính phủ có quyền kiểm soát lớn hơn đối với ngành tư pháp, một động thái gây quan ngại ở cả trong và ngoài nước.

Trước đó, Chính phủ đã sa thải hoặc luân chuyển hàng trăm cảnh sát và thẩm phán, được coi là nhằm trả đũa các cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào giới chức cấp cao nước này.

Ngay trong ngày 23/1, 160 công chức đã bị sa thải tại thành phố Bursa, một ngày sau các vụ sa thải tương tự ở các thành phố Istanbul, Ankara và Izmir. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ước tính đã có 2.500 cảnh sát, trong đó có nhiều sĩ quan cấp cao, cùng hàng chục thẩm phán, luật sư bị sa thải hoặc luân chuyển kể từ giữa tháng 12/2013 đến nay.

Tình hình chính trị rối loạn tiếp tục gây nhiều quan ngại về triển vọng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và làm đồng lira của nước này xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Nhằm ổn định tình hình kinh tế, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/1 đã phải can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối khi bán ra một lượng lớn đồng USD để ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng lira.

Tuy nhiên, quyết định này vẫn chưa đem lại hiệu quả khi đồng lira tiếp tục mất giá, xuống mức kỷ lục mới so với đồng USD (2,29 lira/ 1 USD) và đồng Euro (3,14 lira/ 1 Euro). Đồng lira đã mất giá 10% chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, điều chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này giai đoạn 2000-2001.

Các chuyên gia kinh tế ước tính Ngân hàng Trung ương đã bán ra thị trường 2 tỷ USD hoặc nhiều hơn nhằm ngăn không để đồng lira giảm giá xuống mức 2,3 lira/1 USD.

Tuy nhiên, theo giới đầu tư thuộc ngân hàng HSBC và UBS ở Thổ Nhĩ Kỳ, sự can thiệp mạnh này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và thị trường cần những cú hích mạnh hơn nữa, như tăng lãi suất liên ngân hàng hoặc các biện pháp thắt chặt khác.

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa có phản ứng gì trước mức lãi suất tăng chóng mặt do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Ali Babacan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đang làm những gì có thể để đối phó với tình hình và hạn chế các thiệt hại kinh tế.

Chính phủ nước này hiện không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP 4% cho năm 2014, nhưng theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, mức tăng này sẽ chỉ vào khoảng 3,3%./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục