Căng thẳng ở Sri Lanka và con bài vận động tranh cử

Theo nhà bình luận Perera, con bài phân biệt chủng tộc chống Hồi giáo có thể là chiến lược vận động tranh cử chính của tất cả đảng phái chính trị ở Sri Lanka.
Căng thẳng ở Sri Lanka và con bài vận động tranh cử ảnh 1Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (thứ 2, trái, hàng trên) thị sát hiện trường một vụ đánh bom nhằm vào nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng Reuters, 10 năm trước đây, cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa và anh trai của mình khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Gotabaya Rajapaksa đã đập tan lực lượng ly khai Những Con hổ Giải phóng Tamil.

Thế nhưng, giờ đây, quốc đảo Ấn Độ dương này lại đối mặt với một vụ tấn công vũ trang đẫm máu nhất ở Nam Á, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành.

Giới chính trị và ngoại giao cho rằng vụ tấn công này có thể một lần nữa khiến Rajapaksa ra tay đáp trả mạnh mẽ mối đe dọa mới này.

Các cuộc bầu cử tổng thống ở Sri Lanka dự kiễn diễn ra vào khoảng từ tháng 10-12 và Mahinda Rajapaksa đang chĩa mũi dùi vào Tổng thống đương nhiệm Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vì đã không thể gìn giữ và duy trì được nền hòa bình đã rất khó khăn mới đạt được.

Rajapaksa không thể một lần nữa tham gia cuộc đua này song người anh trai Gotabaya đã sẵn sàng nỗ lực này.

"Rajapaksa và những người thuộc lực lượng của ông có thể nói rằng nếu trở lại quyền lực, họ sẽ thực hiện chính sách an ninh mạnh mẽ để đất nước tránh được nạn khủng bố," một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nhận định.

Sri Lanka, đất nước với 21 triệu dân, đã trở thành "thùng thuốc súng" của tình trạng căng thẳng và xung đột sắc tộc, trước hết là giữa lực lượng đa số theo đạo Phật Sinhalese và các lực lượng Tamil thiểu số và trong những năm gần đây là giữa Sinhalese và những người theo đạo Hồi.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, rừng rậm biển bạc và các trang trại chè, Sri Lanka có một vai trò địa chính trị quan trọng, trở thành sàn đấu cho cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nước vốn rót hàng tỷ USD vào phát triển cơ sở hạ tầng ở đây.

Sau vụ tấn công khủng bố trong ngày lễ Phục Sinh vừa qua khiến hơn 350 người thiệt mạng, Sri Lanka trở thành mối quan tâm toàn cầu.

Rajapaksa và những người ủng hộ ông đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng dưới sức ép của bên ngoài, chính phủ đã và đang làm suy yếu lực lượng quân đội và đội ngũ tình báo mà ông đã dựng lên nhằm đảm bảo phong trào Tamil không thể hồi sinh đồng thời cũng để cảnh giác trước các nhóm thiểu số bất mãn khác.

Thay vào đó, chính phủ lại phung phí sức lực vào cuộc điều tra những cáo buộc cũ về tình trạng lạm dụng binh sĩ từ cuộc nội chiến kéo dài 26 năm chống chọi với các phần tử ly khai Tamil.

"Vì chính phủ không ngừng ngược đãi chính lực lượng vũ trang của mình nên chúng ta mới dễ dàng trở thành mục tiêu của bọn khủng bố," Rajapaksa tuyên bố trước quốc hội.

"Không nước nào lại ngược đãi và làm suy yếu chính lực lượng vũ trang và các cơ quan tình báo của mình như vậy. Bọn khủng bố theo dõi những việc như vậy và theo đó lên kế hoạch," ông giải thích.

[Sri Lanka: Phần lớn phần tử Hồi giáo cực đoan bị tiêu diệt, bắt giữ]

Đáp lại, Chính phủ Sri Lanka cho biết đã nhận được những thông tin cảnh báo trước đó về các âm mưu tấn công vào nhà thờ song những cảnh báo này lại không được chia sẻ ở các cấp chính phủ và thừa nhận sai sót.

Giải thể các đơn vị tình báo

Một nguồn tin thân cận với Chính quyền Ấn Độ, vốn cung cấp 3 cảnh báo trước khi diễn ra vụ tấn công, nói rằng Sri Lanka không có bộ máy an ninh quốc gia tinh gọn như thời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gotabaya Rajapaksa điều hành.

Ở miền Đông, nơi trú ngụ của kẻ chủ mưu bị tình nghi, có một đơn vị đặc vụ tình báo gồm 45 người nhưng đã bị phân tán, Kehelia Rambukwella, người phát ngôn cho đảng của ông Rajapaksa tiết lộ.

"Một số người trong số này đã được điều động đến ban chăm sóc xã hội," người phát ngôn này giải thích.

Tuy nhiên, giới chức chính phủ nói rằng nhiều đặc vụ trong các đơn vị tình báo kiểu này đã giải thể vì họ đối mặt với các cáo buộc lạm dụng, trong đó hành động tra tấn và giết hại ngoài phạm vi pháp luật, trong thời kỳ nội chiến cũng như thời gian sau đó.

Rajitha Senaratne, một phát ngôn viên chính phủ nói: "Chúng tôi không thể cho phép quân đội giết hại người vô tội, trẻ em và nhà báo. Những kẻ giết người không thể là anh hùng chiến sự."

Bản thân cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Gotabaya đang đối mặt các vụ kiện ở Mỹ nơi ông là công dân hai quốc tịch.

Trong đó, một vụ là do một nhân vật Tamil bị tra tấn nhưng sống sót và một vụ là do con gái của nhà báo điều tra bị sát hại yêu cầu điều tra cái chết của cha mình.

Ông Gotabaya đã bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng những cáo buộc này đã được đưa ra vào đúng thời điểm nhằm bóp nghẹt cuộc đua tổng thống của ông.

Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Sinhalese vốn hoàn toàn ủng hộ các biện pháp chống lại lực lượng ly khai Tamil, những vụ tấn công mới xảy ra đã thổi bùng những lời kêu gọi cho một ban lãnh đạo mạnh mẽ của đất nước.

Tuy nhiên, những khác biệt về chính trị giữa Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe cho thấy sự rạn nứt trong chính phủ và một nền kinh tế què quặt trên diện rộng.

Hai lãnh đạo này đều nói rằng họ không hay biết thông tin tình báo về vụ tấn công mà Ấn Độ cung cấp, đặt ra câu hỏi về vai trò của người chỉ huy và điều hành đất nước.

Theo nhà bình luận chính trị Kusal Perera, lo ngại lúc này là chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử diễn ra trong vài tháng tới có thể biến thành một cuộc đối đầu lựa chọn ai cứng rắn hơn đối với lực lượng tay súng Hồi giáo và khi ấy lực cộng đồng Hồi giáo phần lớn sinh sống hòa bình ở Sri Lanka sẽ chịu sức ép.

"Tình hình sau vụ tấn công khủng bố sẽ tạo ra yêu cầu đối với Rajapaksa vì những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Phật giáo Sinhala sẽ nói rằng họ cần một nhà độc tài hoặc một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có thể xử lý các mối đe dọa an ninh quốc gia," ông Perera giải thích.

Trước kia, lực lượng Tamil chiếm thiểu số là mục tiêu. Còn giờ, sau vụ tấn công do phần tử đánh bom bên ngoài thực hiện vốn được xác định là những người theo đạo Hồi địa phương có nền tảng giáo dục tốt.

Vì vậy, cộng đồng Hồi giáo Sri Lanka có thể đối mặt với sức nóng trong cuộc bầu cử tới đây.

"Con bài phân biệt chủng tộc chống Hồi giáo có thể là chiến lược vận động tranh cử chính của tất cả đảng phái chính trị," nhà bình luận Perera nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục