Căng thẳng ở Thái Lan lại gia tăng

Tình trạng căng thẳng giữa chính phủ và lực lượng đối lập Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) ở Thái Lan lại gia tăng sau khi xảy ra các vụ tấn công ngày 30/10 được cho là nhằm vào PAD.

Tình trạng căng thẳng giữa chính phủ và lực lượng đối lập Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) ở Thái Lan lại gia tăng sau khi xảy ra các vụ tấn công ngày 30/10 được cho là nhằm vào PAD.

Rạng sáng 30/10, hai thanh niên đi xe máy đã ném một quả lựu đạn vào những người biểu tình ủng hộ PAD tập trung ngay trước trụ sở Liên hợp quốc ở Bangkok, làm ít nhất 1 người thiệt mạng và 10 người bị thương.

Cùng lúc, nhà riêng của một thẩm phán Toà án Hiến Pháp ở thủ đô cũng bị tấn công bằng lựu đạn song không có thương vong. Ngay sau đó người ta phát hiện một người đàn ông bị bắn chết gần khu vực tập trung người biểu tình. Trong khi đó tại Chiang Mai, xe ôtô của một thành viên PAD đã bị đốt cháy.

Thủ tướng Somchai Wongsawat đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát nhanh chóng truy bắt những kẻ tấn công để "lật mặt nạ" những kẻ âm mưu kích động bạo loạn nhằm gây chia rẽ xã hội.

PAD cho rằng những người ủng hộ chính phủ đã gây ra các vụ tấn công trên. Sau khi tuần hành trên các tuyến phố, những người ủng hộ PAD đã dựng các hàng rào thép quanh Đại sứ quán Anh tại Bangkok, yêu cầu dẫn dộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang xin tị nạn tại Anh, về Thái Lan để thụ án.

Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc biểu tình quy mô lớn tại một sân vận động vào ngày 1/11 và sẽ nghe ông Thaksin diễn thuyết qua điện thoại.

Những động thái trên làm gia tăng lo ngại về khả năng lại xảy ra xung đột bạo lực và tình hình chính trị Thái Lan tiếp tục xấu đi. Tư lệnh không quân Itthiporn Suppawong cho rằng bạo lực có thể tiếp tục xảy ra, ông kêu gọi cảnh sát và chính phủ tăng cường thực thi pháp luật nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đồng thời cho biết quân đội sẽ tăng cường giám sát tình hình, sẵn sàng ngăn chặn nguy cơ xảy ra bạo lực.

Trước đó, Chính phủ Thái Lan ngày 28/10 đã đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị. Theo đó, Chính phủ sẽ chi hơn một triệu euro để đền bù cho những nạn nhân trong các vụ bạo động chính trị gần đây. Đồng thời, chính phủ cũng tổ chức các buổi lễ để hai phe chống đối và thân chính phủ gặp gỡ và bắt tay hòa giải, đề cao nguồn gốc và lịch sử chung để họ vượt qua những bất đồng chính kiến hiện nay.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những biện pháp trên làm dịu tình hình nhưng không giải quyết được vấn đề mang tính xã hội ở Thái Lan là khoảng cách giàu nghèo. Chừng nào hố ngăn cách này vẫn tồn tại thì tình trạng đối kháng vẫn tiếp diễn giữa tầng lớp trung lưu thành thị muốn bảo vệ vị thế kinh tế, xã hội của họ và tầng lớp nông dân, vốn đang mong muốn tham gia tích cực hơn vào đời sống chính trị./.

(TTXVN)
 

Tin cùng chuyên mục