Canh bạc kinh tế đằng sau việc đăng cai tổ chức World Cup

Giáo sư kinh tế Andrew Zimbalist của Đại học Smith College đã chỉ ra những lý do thực sự đằng sau việc đăng cai World Cup mà ông xem là một "canh bạc kinh tế."
Canh bạc kinh tế đằng sau việc đăng cai tổ chức World Cup ảnh 1Cổ động viên Nga trước trận đấu giữa đội tuyển Nga và đội tuyển Uruguay tại bảng A, Vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra ở Samara, Nga ngày 25/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Andrew Zimbalist, giáo sư kinh tế tại Đại học Smith College, tác giả cuốn "Circus Maximus (tên trường đua ngựa nổi tiếng tại Roma thời La Mã cổ đại): Canh bạc kinh tế đằng sau việc đăng cai Olympic và World Cup" đã chỉ ra lý do đằng sau việc đăng cai vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup).

Quan điểm trong bài viết là của tác giả. Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.

Giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thị trưởng thành phố Chicago Rahm Emanuel, ai là người mà bạn tin tưởng hơn? Trong khi Putin đang say sưa với việc trở thành tâm điểm chú ý khi Nga đăng cai World Cup 2018, thì ông Emanuel lại thông báo với Liên đoàn Bóng đá Mỹ và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) rằng thành phố Chicago không quan tâm đến việc được tổ chức World Cup khi sự kiện bóng đá này diễn ra ở Bắc Mỹ vào năm 2026.

Canada và Mexico mỗi nước đăng cai tổ chức 10 trận đấu, và Mỹ sẽ đứng ra tổ chức 60 trận còn lại. Như vậy tại sao thành phố lớn thứ ba nước Mỹ này lại từ bỏ cơ hội quý giá này?

Để hiểu việc đăng cai một sự kiện thể thao mang tính toàn cầu có ý nghĩa như thế nào, cần xem xét sự thật là chính phủ của ông Putin đã bỏ ra từ 51-70 tỷ USD để tổ chức Thế vận hội mùa Đông 2014, và dự kiến sẽ chi ít nhất 14 tỷ USD cho World Cup 2018 - sự kiện sẽ diễn ra đến hết ngày 15/7 tới.

Ngân sách của Nga được chi cho việc xây dựng 7 sân vận động mới - trong đó có một sân vận động ở thành phố Saint Petersburg với chi phí lên tới khoảng 1,7 tỷ USD - và cải tạo lại 5 sân vận động khác. Đó là chưa kể đến những chi phí khác cho các cơ sở tập luyện, nơi ăn nghỉ, mở rộng cơ sở hạ tầng, và an ninh.

Chicago, đã từng đăng cai lễ khai mạc và trận đấu đầu tiên của World Cup 1994, lại đi theo một tư duy khác hẳn.

Người phát ngôn của Emanuel, Matt McGrath, mới đây đã đưa ra một tuyên bố giải thích rằng "FIFA không thể cung cấp một mức độ chắc chắn cơ bản về một số vấn đề lớn vẫn chưa rõ ràng mà chúng có nguy cơ đẩy thành phố và người dân đóng thuế của chúng ta vào tình trạng nguy hiểm."

McGrath cho rằng FIFA đang đòi hỏi một điều tương tự như một "tờ séc ký khống" bao gồm một "khả năng bỏ ngỏ cho việc thay đổi thỏa thuận... vào bất cứ lúc nào theo ý muốn của họ."

[Kịch bản nào sẽ tiễn nhà đương kim vô địch Đức về nước?]

Ngoài ra, FIFA có vẻ đã yêu cầu không sử dụng sân vận động Soldier Field - sân nhà của đội bóng Chicago Bears - 2 tháng trước khi sự kiện thể thao diễn ra.

Cuối cùng, văn phòng của Emanuel kết luận rằng: "Tình trạng không chắc chắn đối với người dân đóng thuế, cộng với thái độ thiếu mềm mỏng và không sẵn sàng của FIFA đối với việc thương lượng, là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc tiếp tục theo đuổi nỗ lực đăng cai là không nằm trong lợi ích tốt nhất của Chicago."

Ngoài việc đứng ra tổ chức từ 2 đến 6 trận đấu - có khả năng diễn ra trong thời gian vài tuần lễ - các thành phố đăng cai tổ chức World Cup dự kiến còn phải tạo ra một không khí lễ hội cho các fan bóng đá, sửa sang các cơ sở tập luyện cho các đội bóng tham dự, và miễn trừ thuế cho một loạt những hoạt động có liên quan.

Trên thực tế, FIFA cấm áp thuế trực tiếp và gián tiếp đánh vào tất cả các khoản thu nhập từ sự kiện này, miễn thuế cho các liên đoàn bóng đá châu lục, các đài truyền hình của nước chủ nhà, các liên đoàn bóng đá thành viên của FIFA, các công ty cung cấp dịch vụ, và các nhà thầu khoán. Như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cả thành phố Minneapolis và Vancouver đều theo chân Chicago từ bỏ vinh dự được đăng cai sự kiện này.

Để biện minh cho thái độ ngạo mạn của mình, FIFA chỉ ra rằng "World Cup là sự kiện thể thao lớn lôi kéo sự chú ý của toàn cầu đối với (những) nước chủ nhà và đem lại cơ hội cho việc đầu tư tài chính quan trọng vào các cơ sở hạ tầng thể thao và công cộng."

FIFA cho rằng việc có thêm được sự chú ý của quốc tế và đầu tư "có thể đóng góp cho những lợi ích xã hội kinh tế có ý nghĩa về trung và dài hạn... cũng như cho sự tăng trưởng kinh tế."

Nhưng hãy lưu ý những lời lẽ được lựa chọn một cách thận trọng nói trên. FIFA cho đến nay chỉ đi xa tới chỗ cam kết một "cơ hội cho đầu tư tài chính có ý nghĩa" vào cơ sở hạ tầng, cũng như sự chú ý của thế giới và khoản đầu tư mà nó "có thể đóng góp" cho tăng trưởng.

Trên thực tế, những bằng chứng được xem xét thận trọng cho thấy rằng các kỳ World Cup hiếm khi đem lại lợi ích cho các quốc gia và thành phố đăng cai như những gì mà FIFA muốn công chúng, và các quan chức, nghĩ đến.

Ví dụ, hãy xem xét việc nước Nga sẽ thu lại được gì từ khoản đầu tư hơn 14 tỷ USD vào sự kiện của năm nay. Trong khi tất cả nguồn thu từ bán vé, bản quyền truyền hình quốc tế, và tiền tài trợ chui thẳng vào túi của FIFA, thì Nga sẽ chỉ còn lại với 7 sân vận động mới và 5 sân vận động được cải tạo lại mà nước này không cần đến. Và trừ khi Nga xóa bỏ những sân vận động này, nước này mỗi năm sẽ phải bỏ ra hàng chục triệu đôla để bảo trì chúng.

Trong khi đó, hàng trăm hecta bất động sản hiếm hoi của thành phố chắc chắn đã bị trưng thu để xây dựng những địa điểm sẽ trở thành vô dụng này.

Chắc chắn một điều là những hình ảnh về những sân vận động mới bóng bảy này đang được truyền đi khắp thế giới. Tuy vậy, cách nhìn nhận sự kiện của công chúng không phải nhất thiết là có lợi cho nước Nga. Rõ ràng có thể nhận thấy là không thể che giấu được hình ảnh 6.000 ghế còn trống trong trận Uruguay gặp Ai Cập ngày 15/6 vừa qua.

Nếu dẫn lại lịch sử thì hoàn toàn không có khả năng là World Cup 2018 sẽ làm gia tăng đầu tư hay thương mại quốc tế đối với nước Nga, sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch, hay giúp tăng cường ý thức của dân chúng nước này đối với việc luyện tập nâng cao sức khỏe.

Canh bạc kinh tế đằng sau việc đăng cai tổ chức World Cup ảnh 2Cổ động viên Nga trước trận đấu giữa đội tuyển Nga và đội tuyển Uruguay tại bảng A, Vòng chung kết World Cup 2018 diễn ra ở Samara, Nga ngày 25/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều mà sự kiện này sẽ làm là tạo ra một cảm giác thoáng qua về lòng tự hào dân tộc trong một bộ phận quan trọng người Nga, đồng thời tạm thời kéo sự chú ý của dân chúng ra khỏi những vấn đề đang ngày càng tăng của đất nước.

Có hay không có World Cup thì việc giá dầu lên xuống thất thường cùng với những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga cũng sẽ khiến nước này gặp nhiều khó khăn.

Vậy, các bạn tin ai? Còn tôi thì tin ông Emanuel./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục