Cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục chùa Hương Tích "phiên bản gốc"

Tọa lạc ở độ cao 650m so mực nước biển và nằm lưng chừng dãy Hồng Lĩnh bạt ngàn, chùa Hương Tích sở hữu cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục khiến những bước chân du khách đến đây sẽ ấn tượng, choáng ngợp.

Cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục chùa Hương Tích "phiên bản gốc"
vnp_chua huong tich 1.JPG
Du khách được giới thiệu toàn cảnh mô hình khuôn viên chùa Hương Tích (thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được chia thành ba khu vực, bao gồm Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu - nơi Công chúa Diệu Thiện đắc đạo hóa Phật. Đặc biệt, tại đây vẫn lưu giữ 2 pho tượng Phật, 1 tòa Cửu Long quý hiếm bằng đồng đen và chuông đồng cổ đang được địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 2.JPG
Nằm lưng chừng dãy Hồng Lĩnh bạt ngàn, chùa Hương Tích sở hữu cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục. Từ chân núi du khách di chuyển bằng xe diện qua quãng đường uốn cong mềm mại giữa hai hàng thông xanh mướt tựa Đà Lạt thu nhỏ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 3.JPG
Từ chân núi Hồng Lĩnh, du khách đi bộ theo triền núi để đến miếu Cô. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 4.JPG
Du khách thập phương vẫn thường tự hỏi vì sao Việt Nam có hai ngôi chùa Hương, là chùa Hương tại Hà Nội và chùa Hương tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên thực tế, chùa Hương tại Hà Nội không phải là ngôi chùa gốc mà chỉ là phiên bản của chùa Hương Tích tại Hà Tĩnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 5.JPG
Lịch sử ghi lại rằng, sở dĩ xây dựng thêm chùa Hương tại Hà Nội bởi đoạn đường từ kinh đô đến chùa Hương rất xa khiến chúa Trịnh không yên tâm mỗi dịp phi tần đi trẩy hội chùa Hương. Vì vậy, chúa Trịnh đã cho xây một ngôi chùa Hương khác tại vùng núi Hà Sơn Bình, góp phần tạo thêm một chùa Hương kỳ ảo, thơ mộng như ngày nay. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 6.JPG
Sau khi làm lễ tại miếu Linh Sơn, du khách có thể chọn cung đường đi bộ lên đến chùa chính. Đường lên chùa Hương Tích Hà Tĩnh dài khoảng 3km, vừa đi vừa vãn cảnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 7.jpg
Hoặc du khách có thể chọn đi bằng cáp treo lên thẳng đền Thượng. Tuy nhiên, trước đó bạn vẫn di chuyển đến miếu Cô, rồi mới mua vé cáp từ ga miếu Cô lên thẳng đền Thượng. Ưu điểm của đi cáp là nhanh chóng (4 phút, giá vé 120.000 đồng/người/chiều, 160.000 đồng/người/2 chiều), tiết kiệm sức lực cho chặng đường khám phá phía trước. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 8.JPG
Chùa Hương Tích là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam có niên đại hàng nghìn năm. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII vào thời nhà Trần. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp từng nhắc đến lịch sử hình thành của chùa qua 2 câu thơ “Hương Tích Trần Triều – Hồng Sơn đệ nhất phong” (Hương Tích ngôi chùa đời Trần – Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống). (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 9.JPG
Cung Tam Bảo trong chùa Hương Tích hiện đặt 54 pho tượng Phật cổ được làm bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng nghìn năm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 10.jpg
Du khách đến với chùa Hương cổ tự sẽ được giới thiệu về một danh thắng “Hoan Châu đệ nhất danh lam,” huyền thoại 99 đỉnh non cao gắn với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng bay về tìm chốn đậu, và nghe truyền thuyết về Công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm cứu độ chúng sinh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 11.JPG
Chùa có tên gọi đầy đủ là Hương Tích Cổ Tự. Dân gian còn gọi đây là chùa Thơm. Chùa Hương Tích theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông, thờ Quan Âm Bồ Tát. Nơi đây ngày nay trở thành điểm dừng chân của những du khách muốn tìm về chùa Hương "phiên bản gốc." (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 12.jpg
Đến nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong thiên nhiên đất trời hòa quyện, với cõi linh thiêng, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ của vùng đất “địa linh nhân kiệt.” (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 13.JPG
Hương Tích Cổ Tự có nhiều góc đẹp cho du khách "check-in." (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 14.JPG
Các bậc đá, nền đá của chùa có dấu tích rêu phong hầu như còn nguyên sơ theo kết cấu cũ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 15.jpg
Quần thể di tích văn hóa tôn giáo chùa Hương Tích Hà Tĩnh bao gồm nhiều công trình, hạng mục. Ngoài thờ Phật, nơi đây còn lập ra nhiều đền thờ Thần mang đậm tín ngưỡng văn hóa của người Việt. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 16.jpg
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh hớp hồn du khách với cảnh núi non hùng vĩ. Cung đường dẫn đến chùa dốc thoải, được thiết kế thành các bậc thang với những tảng đá tự nhiên có hình thù kỳ thú. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 17.jpg
Trận hỏa hoạn lớn xảy ra vào năm Ất Dậu 1885 thiêu rụi phần lớn ngôi chùa. Đến năm 1901, Tổng đốc An – Tĩnh tiến hành quyên góp, trùng tu và xây dựng lại. Chùa được vua Bảo Đại chọn là biểu tượng chạm khắc vào Anh Đỉnh đặt ở Đại Nội Huế năm 1936. Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam công nhận là di tích văn hóa - thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1990. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 18.jpg
Đứng giữa không gian tĩnh lặng chốn linh thiêng mờ ảo trong làn hương khói, Hà Phương (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ chị cảm thấy thư thái, bình yên, như trút bỏ được chuỗi ngày dài phải đối mặt với những áp lực cuộc sống ở thành phố. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
vnp_chua huong tich 19.jpg
Chùa Hương Tích sở hữu cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục và choáng ngợp với những ngọn núi kỳ vĩ, những khu rừng bạt ngàn sắc xanh cùng bầu không khí trong lành, âm thanh rộn tiếng chim hót. Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên vừa hùng vỹ, tráng lệ vừa nhuốm màu linh thiêng và pha nét huyền bí. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục