Cảnh sát Tây Ban Nha chặn dòng người di cư từ châu Phi

Ngày 13/2, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha có cuộc điều trần khi cảnh sát biển nước này bị chỉ trích vụ bắn đạn cao su để ngăn người nhập cư châu Phi.

Ngày 13/2, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz đã có cuộc điều trần trước một ủy ban quốc hội nước này sau khi lực lượng cảnh sát biển Tây Ban Nha bị chỉ trích về vụ bắn đạn cao su để ngăn chặn những người nhập cư châu Phi.

Vụ việc xảy ra khi khoảng 200 người nhập cư cố thâm nhập vào Tây Ban Nha qua biên giới giữa Morocco và vùng lãnh thổ Ceuta của Tây Ban Nha từ hôm 6/2 vừa qua.

Nhiều người trong số này đã chết đuối tại biển Địa Trung Hải khi cố bơi tới gần con đê chắn sóng, ranh giới giữa vùng biển Morocco và Tây Ban Nha. Tính đến ngày 13/2, con số thiệt mạng đã lên tới 12 người khi cảnh sát thông báo phát hiện thêm một tử thi gần bờ biển. Hiện công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục được tiến hành.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha khẳng định cảnh sát chỉ bắn đạn cao su nhằm ngăn cản người nhập cư bơi trên biển tiếp cận đất liền, chứ không nhằm mục đích gây sát thương.

Theo ông Jorge Fernandez Diaz, cảnh sát bắn đạn cao su từ khoảng cách tới 25m và nhắm bắn lên trời chứ không nhằm trực tiếp vào người nào.

Bộ trưởng Jorge Fernandez Diaz nhận định, phản ứng của cảnh sát là hoàn toàn hợp lý trước thái độ chống đối của những người nhập cư, như ném đá vào lực lượng cảnh sát.

Trong khi đó, hàng trăm người đã biểu tình tại trung tâm thủ đô Madrid ngày 12/2, chỉ trích phản ứng của cảnh sát đối với những người di cư bất hợp pháp nói trên, với khẩu hiệu "Ceuta: nỗi hổ thẹn của châu Âu."

Sức ép đang gia tăng đối với hai vùng lãnh thổ Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha, vốn là hai vùng biên giới trên đất liền duy nhất của châu Âu với châu Phi. Hàng năm, có hàng nghìn người châu Phi cố tới hai vùng lãnh thổ này để nhập cư vào châu Âu, hoặc bằng cách bơi dọc bờ biển hoặc bằng cách trèo qua những bức tường dây thép gai cao tại biên giới với Morocco.

Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2013, đã có khoảng 3.000 người di cư bất hợp pháp vào Tây Ban Nha, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục