Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ: Cuộc chiến sẽ bớt 'tiếng súng'?

Nhiều người tin rằng cạnh tranh chiến lược sẽ tiếp tục xác định mối quan hệ Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Biden, mặc dù cách hiểu về cạnh tranh chiến lược có thể khác so với chính quyền tiền nhiệm.
Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ: Cuộc chiến sẽ bớt 'tiếng súng'? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: CNN)

Trang eastasiaforum.org đưa tin, từ cuối năm 2017, quan hệ Trung-Mỹ đã thay đổi đáng kể khi chính quyền cựu Tổng thống Trump chính thức coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Vì nhiều lý do khác nhau, đảng Dân chủ dường như đã chấp nhận “nhãn mác” này.

Nhiều người tin rằng cạnh tranh chiến lược sẽ tiếp tục xác định mối quan hệ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, mặc dù cách hiểu của chính quyền mới về cạnh tranh chiến lược có thể khá khác so với chính quyền tiền nhiệm.

Cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ dưới thời chính quyền ông Trump khá bất lợi.

Trước hết, đó là một cuộc cạnh tranh để làm suy yếu hơn là vượt qua đối thủ.

[Hội đàm Mỹ-Trung: Cuộc gặp "dò đường" định hình quan hệ song phương]

Chính quyền ông Trump đã vứt bỏ chính sách can dự mà các chính quyền trước đây của Mỹ - cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa - đã tuân thủ sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1979.

Chính quyền ông Trump đã dành nhiều năng lượng để cáo buộc Bắc Kinh đang cố gắng “hủy hoại tự do và dân chủ và tìm cách thống trị thế giới thông qua mở rộng lãnh thổ và cưỡng ép ngoại giao.

Do đó, chính quyền ông Trump đã gây áp lực buộc các quốc gia khác phải hợp tác với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc.

Nhiều người ở Trung Quốc, cả trong và ngoài chính phủ, cho rằng Trung Quốc không nên dung thứ cho điều này.

Theo họ, những gì Mỹ muốn từ Trung Quốc không chỉ là tiền mà còn cả cuộc sống của họ. Điều đó khiến Trung Quốc không còn cách nào khác là phải đấu tranh cho sự tồn tại của mình.

Vì vậy, Trung Quốc đã phản ứng một cách tiêu cực và thiếu kiên nhận trong một loạt vấn đề, bao gồm nhân quyền, Hong Kong, Biển Đông và Đài Loan.

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ dưới thời chính quyền ông Trump là một ví dụ điển hình về mục đích biện minh cho (các) phương tiện.

Để tập hợp sự ủng hộ trong nước và quốc tế đối với việc kiềm chế Trung Quốc, chính quyền ông  Trump đã phát tán những thông tin tiêu cực như gọi COVID-19 là “virus Trung Quốc,” tuyên bố rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một cái bẫy nợ và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là kết quả của việc đánh cắp công nghệ của Mỹ và các chính sách kinh tế không công bằng.

Một số người Trung Quốc đã đáp trả, miêu tả Mỹ như một quái vật hung ác liên tục gây ra các cuộc xung đột ở nước ngoài để thúc đẩy các lợi ích ích kỷ của họ dưới danh nghĩa bảo vệ tự do và dân chủ.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cáo buộc rằng một phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ là nguyên nhân làm bùng phát dịch COVID-19. Vụ việc này đã làm sâu sắc thêm sự ngờ vực và thù địch giữa hai nước.

Cuối cùng, đó là sự cạnh tranh cả hai bên cùng thua. Cuộc chiến thương mại do chính quyền ông Trump khởi xướng đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và nhiều người thất nghiệp ở cả hai quốc gia. Người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa nhập khẩu.

Cuộc chiến công nghệ đã chứng kiến các công ty công nghệ cao của cả hai quốc gia “đổ máu.”

Mỹ-Trung cảm thấy khó hợp tác trong bất cứ lĩnh vực gì, ngay cả về ứng phó với đại dịch COVID-19.

Cả hai quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và quan chức của nhau, đóng cửa các lãnh sự quán của hai bên, lăng mạ và công kích lẫn nhau, đồng thời đình chỉ hầu hết các kênh liên lạc chính thức.

Tàu chiến và máy bay quân sự của hai nước đã nhiều lần va chạm hoặc suýt đụng độ ở khu vực gần Biển Đông và eo biển Đài Loan, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Đây có phải là loại cạnh tranh chiến lược mà chính quyền Tổng thống Biden muốn tham gia? Nhìn bề ngoài, có vẻ đúng như vậy.

Các quan chức cấp cao của Mỹ gần đây đã tuyên bố trong các phiên điều trần trước Quốc hội nước này rằng chính quyền ông Trump đã đúng khi thực hiện một cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc.

Họ cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ phối hợp với các đồng minh của Mỹ để gây áp lực đối với Trung Quốc. Khúc dạo đầu cho các cuộc hội đàm giữa các quan chức hàng đầu của hai nước ở Alaska dường như cũng phản ánh những cách suy nghĩ này.

Nhưng các phân tích sâu hơn cho thấy bất chấp những lời hùng biện cứng rắn, cách hiểu của chính quyền Tổng thống Biden về cạnh tranh chiến lược có thể rất khác với sự cách hiểu của chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Ông Biden dường như ủng hộ một cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm vượt trội so với đối thủ Trung Quốc hơn là làm suy yếu đối thủ.

Ở trong nước, ông Biden hứa hẹn sẽ tập trung vào các vấn đề như khôi phục sự đoàn kết, tự do và dân chủ, đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và khoa học, và đảo ngược xu hướng phân cực kinh tế đã khiến nhiều người Mỹ thất vọng và tức giận.

Ở nước ngoài, chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố sẽ nỗ lực khôi phục quan hệ với các đồng minh của Mỹ và tập hợp sự ủng hộ của quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm đại dịch COVID-19, phục hồi và tăng trưởng kinh tế cũng như chống biến đổi khí hậu.

Trong khi thừa nhận một số khía cạnh của quan hệ Trung-Mỹ ngày càng đối nghịch, chính quyền mới của Mỹ cũng cho rằng hai nước chia sẻ những lợi ích quan trọng trong các khía cạnh khác, mang lại cơ hội hợp tác.

Chính quyền mới dường như chống lại ý tưởng rằng mục đích biện minh cho phương tiện.

Họ lên án việc ông Trump lan truyền những lời dối trá và thông tin sai lệch, đồng thời tuyên bố rằng thay vào đó, họ sẽ phát triển các chính sách dựa trên nguyên tắc và thực tế.

Các quan chức hàng đầu của ông Biden cho biết họ sẽ đánh giá lại một số chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc.

Điều quan trọng, chính quyền Tổng thống Biden không tin rằng cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc phục vụ lợi ích của Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden có nguy cơ mất đi sự ủng hộ của dân chúng khi tuyên bố ông coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược hơn là kẻ thù.

Trong khi tán thành cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói rằng chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden sẽ khác với chính sách của người tiền nhiệm.

Chính quyền mới sẽ đối đầu với Trung Quốc về một số vấn đề, đồng thời tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực khác mà hai nước có chung lợi ích.

Mặc dù cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden đối với cạnh tranh chiến lược khá khác so với cách tiếp cận của chính quyền Trump, điều đó không nhất thiết là quan hệ Trung-Mỹ thời hậu Trump sẽ ổn định và được cải thiện.

Vẫn còn phải xem chính quyền Tổng thống Biden thực sự giải quyết những vấn đề hóc búa giữa hai nước như thế nào. Điều đó cũng sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng với các hành động của Mỹ.

Do tình cảm tiêu cực mạnh mẽ của công chúng hai nước đối với nhau và các thực tiễn chính trị trong nước ngày càng khác biệt, một cuộc cạnh tranh chiến lược thực sự không độc hại là điều khó đạt được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục