Cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của ông Trump là nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhất là đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà ông Tập Cận Bình thúc đẩy.
Cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng chinausfocus.com đưa tin, gần đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thăm Singapore, Malaysia và Indonesia và tham dự các hội nghị mà ASEAN làm trung tâm, chủ trì một hội nghị với chủ đề “Kế hoạch Hành động về Sáng kiến Hạ vùng Mekong.”

Trước và sau chuyến công du Đông Nam Á, ông đã nhiều lần nói về các chính sách và biện pháp mà Mỹ sẽ xúc tiến để củng cố quan hệ kinh tế cũng như hợp tác an ninh với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những mục tiêu nằm trong “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, theo ông Gurpreet S. Khurana, Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thiết lập một liên minh theo kiểu chiến tranh lạnh mới đồng điệu với “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm với các quốc gia trong khu vực.

Trong chuyến công du châu Á tháng 11/2017, Tổng thống Trump đã chính thức công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” để thay thế chính sách xoay trục của Chính quyền Obama.

Tầm quan trọng của “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” cũng được nhấn mạnh trong Chiến lược An ninh Quốc gia công bố một tháng sau đó. Kể từ đó, “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã dần dần được làm rõ hơn bằng các chính sách và biện pháp liên quan.

Trước hết, một cơ chế bốn bên đã được thiết lập để phục vụ hợp tác ngoại giao, kinh tế và an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia, và Ấn Độ.

Cơ chế này nhiều khả năng sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai và thậm chí còn được kỳ vọng là có thể trở thành một NATO của châu Á, điều mà một số người cho là nguyện vọng của Washington.

Thứ hai, một mạng lưới đối tác do Mỹ dẫn đầu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được Mỹ mạnh mẽ thúc đẩy. Bằng các hợp đồng bán vũ khí tân tiến và xúc tiến các cuộc đối thoại dưới hình thức 2+2, Mỹ đã lôi kéo Ấn Độ và khích lệ quốc gia này “hướng Đông,” đồng thời tìm kiếm một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước Đông Nam Á.

Trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ đã cùng Nhật Bản và Australia cùng hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.

Tập đoàn Đầu tư Tư nhân ngoài nước Mỹ và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, các đơn vị đều có mối liên hệ với chính quyền trong nước, đã ký rất nhiều thỏa thuận liên quan tới những dự án này.

[Mỹ nhận định gì về tham vọng quân sự của Trung Quốc?]

Mỹ và Australia cũng đã tuyên bố thành lập “Quan hệ Đối tác Năng lượng hướng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Dù đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) song Tổng thống Trump cũng không loại trừ khả năng quay trở lại phiên bản Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP- TPP-11) mà Nhật Bản thúc đẩy.

“Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của ông Trump rõ ràng là nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhất là đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy.

Mỹ xem Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất. Theo giáo sư David M. Lampton, làm việc tại Đại học John Hopkins, 3 trụ cột từng xây dựng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc là kinh tế, an ninh, ngoại giao và trao đổi văn hóa đang ngày càng mong manh và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có vẻ như đã bước sang giai đoạn “hậu ràng buộc.”

Ngày càng có nhiều quan chức Mỹ dùng dùng cụm từ “Chiến tranh Lạnh để miêu tả mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Thậm chí, tại Diễn đàn An ninh Aspen hồi tháng Bảy vừa qua, Michael Collins, một quan chức cấp cao tại Trung tâm Đông Á CIA, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang kích động một cuộc chiến tranh lạnh “âm thầm” nhằm vào Mỹ, cuộc chiến khác với thời mâu thuẫn Mỹ-Liên Xô trước đây, và nhằm thế vào vị trí cường quốc hàng đầu thế giới mà Mỹ đang nắm giữ.

Để ngăn mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc trượt dài thành một cuộc đối đầu thảm họa, điều cấp bách là phải kiềm chế cuộc cạnh tranh địa chính trị của hai cường quốc này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước hết, Chính quyền Trump phải thận trọng hơn với các tuyên bố của mình. Giới chức Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc là một kẻ “lợi dụng kinh tế,” miêu tả sáng kiến “Vành đai và Con đường” là “bẫy nợ,” đồng thời cho rằng sáng kiến này sẽ buộc các nước tham gia phải nhượng bộ chủ quyền và lợi ích cũng như hủy hoại an ninh khu vực nói chung.

Những viễn cảnh này khiến nhiều nước e ngại Trung Quốc song lại chẳng có ích gì cho sức cạnh tranh của Mỹ.

Trong khi chỉ trích việc Trung Quốc đổ tiền cho các dự án phát triển cấp thiết tại nhiều nước đang phát triển, chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ thực chất chẳng hề hứng thú với việc đầu tư vào các quốc gia như Sri Lanka, Myanmar, Lào và Campuchia.

Thập kỷ vừa qua và xa hơn nữa cho thấy Washington không những hời hợt trong việc hợp tác kinh tế với Đông Nam Á mà còn chỉ quan tâm tới việc thay đổi hệ thống chính trị ở một số quốc gia.

Cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 2 Hàng hóa được xếp tại cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải của Trung Quốc ngày 25/7 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thứ hai, các nước Đông Nam Á rất do dự trong việc phải lựa chọn một bên nào đó trong mâu thuẫn Mỹ-Trung Quốc. Họ muốn xây dựng quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn với các nước lớn, song không muốn bị kẹt trong một cuộc đối đầu theo kiểu Chiến tranh Lạnh.

Thứ ba, ngay cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia cũng tránh xung đột với Trung Quốc.

Thực chất, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc không nhất thiết phải mâu thuẫn nhau.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc vào mùa Thu tới.

Ông từng khẳng định quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn điều chỉnh những gì theo hướng có lợi cho cả hai bên.

Trong một hoạt động tại Đại học New South Wales gần đây, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đã ngỏ ý cho biết ông muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc và bày tỏ hy vọng hai bên có thể phối hợp trong sáng kiến “Vành đai và Con đường.”

Nói tóm lại, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nên được xây dựng làm một công cụ phục vụ cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ không cần phải nhìn nhận ảnh hưởng khu vực ngày càng gia tăng của Trung Quốc qua lăng kính Chiến tranh Lạnh và càng không nên gây áp lực cho những quốc gia đang rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển nội địa.

Biến Đông Nam Á hay các quần đảo Nam Thái Bình Dương thành một chiến trường chiến lạnh kiểu mới chỉ vì để bảo vệ vị thế bá quyền của Mỹ là việc làm rất thiếu công bằng và cực kỳ nguy hiểm.

Giờ là lúc mà Trung Quốc và Mỹ cần tìm cách để tương tác một cách lành mạnh và tích cực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục