Dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp, khiến nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thủy sản gặp khó khăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm cho thị trường tiêu thụ mà còn khiến nguồn nguyên liệu bị tồn đọng, thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Hàng loạt cơ sở, nhà máy đóng cửa
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm từ các cơ sở giết mổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm tới 60%, do nhiều lò giết mổ có công nhân bị ca mắc COVID-19, phải tạm dừng hoạt động để khoanh vùng, xử lý khử khuẩn. Trong khi đó, nguồn cung thịt giết mổ từ các địa phương lân cận như Long An, Đồng Nai cũng giảm 50% so với trước dịch.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết trước khi có dịch COVID-19, Long An có 45 cơ sở giết mổ; trong đó có 20 cơ sở giết mổ lợn, 6 cơ sở giết mổ trâu bò, 10 cơ sở giết mổ gia cầm, 7 cơ sở giết mổ hỗn hợp.
Công suất giết mổ mỗi ngày đạt 3.000 con lợn, 250 con trâu bò, 160.000 con gia cầm. Trong số đó cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh 2.100 con lợn, là 190 con trâu bò, 110.000 con gia cầm thông qua các chợ đầu mối và một số siêu thị, còn lại phục vụ tiêu thụ nội tỉnh.
Hiện nay, địa phương đã có 9 cơ sở giết mổ gia cầm đóng cửa, chỉ còn cơ sở của Công ty Trách nhiệm hữu hạn San Hà hoạt động với công suất chỉ đạt 2/3 so với trước. Trước đây, mỗi ngày công ty này giết mổ 60.000 con gia cầm, cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh 40.000 con; hiện tại công suất mỗi ngày chỉ còn 40.000 con; trong đó đưa về Thành phố Hồ Chí Minh 30.000 con.
Trong khi đó, tất cả các cơ sở giết mổ lợn, trâu bò đều giảm công suất xuống chỉ còn từ 10-20% so với trước dịch. Hiện chỉ có cơ sở giết mổ của Công ty Massan tăng công suất lên 4 lần, đạt 600 con/ngày.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Long An đều dành phần lớn công suất để cung ứng cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chợ đầu mối và chợ truyền thống. Khi các chợ ở Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa, các lò giết mổ không biết đưa thịt gia súc, gia cầm đi đâu tiêu thụ. Thêm vào đó, đặc thù của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là gần khu nuôi nhốt và ẩm ướt, không thể tổ chức ăn, nuôi tại chỗ như các nhà máy sản xuất hàng thông thường khác.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, cũng cho biết do các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm bị ảnh hưởng của dịch, không thực hiện được "3 tại chỗ" hoặc có ca mắc COVID-19 phải dừng hoạt động đợi xử lý, khử khuẩn nên hiện Cần Thơ đang thiếu nguồn cung thịt lợn và thịt gia cầm dù đàn lợn và gia cầm thương phẩm không thiếu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết đến nay đã có 18/30 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn ngừng hoạt động. Nguyên nhân là các nhà máy không đủ điều kiện để tổ chức "3 tại chỗ" do điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Thêm vào đó, việc áp dụng giãn cách xã hội khiến công nhân các nhà máy gặp khó khăn khi di chuyển, nhiều công nhân nghỉ việc do tâm lý lo ngại dịch bệnh.
Phải duy trì được chuỗi cung ứng
Theo kết quả khảo sát của Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay số lượng đàn gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản tại các tỉnh phía Nam đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng của cả khu vực, riêng thủy sản còn phục vụ phần lớn các đơn hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đó là trong điều kiện đảm bảo duy trì được chuỗi chăn nuôi-giết mổ-chế biến-tiêu thụ một cách thông suốt. Trong khi đó, hiện nay số lượng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, nhà máy chế biến thủy sản ngưng hoạt động hoặc giảm công suất ngày càng nhiều. Điều này đang ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị thực phẩm, nguồn cung hàng hóa ra thị trường giảm, trong khi nguồn nguyên liệu của nông dân bị ách tắc đầu ra.
Bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn Long An trước đây không chỉ là nơi thu mua hầu hết gia cầm chăn nuôi trong tỉnh mà còn giải quyết đầu ra cho một lượng lớn gia cầm của tỉnh Đồng Nai.
Từ khi các cơ sở này đóng cửa, người nuôi gà ở cả Long An và Đồng Nai không biết bán đi đâu. Hiện nay, số lượng gà trắng đủ ngày giết mổ tồn lại rất lớn, giá bán đã hạ tới 9.000 đồng/kg nhưng vẫn không có đầu ra.
[Từ 30/6, Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu lợn sống của Thái Lan]
Ngoài gia cầm, thì Long An cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tôm. Hiện nay sản lượng tôm thu hoạch mỗi ngày khoảng từ 10-15 tấn, dự kiến thu hoạch trong 20 ngày. Số lượng tôm này được dự kiến đưa về chợ đầu mối Bình Điền, Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ dưới dạng tươi sống. Hiện chợ Bình Điền dừng hoạt động nên nông dân chưa biết tiêu thụ ở đâu, trong khi trên địa bàn không có nhà máy chế biến nào.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An kiến nghị cho các cơ sở giết mổ gia cầm áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh khác thay cho điều kiện "3 tại chỗ." Cụ thể, các cơ sở giết mổ chỉ nhận công nhân tại chỗ (không nằm trong vùng phong tỏa hoặc cách ly) để đảm bảo không có việc di chuyển từ huyện này sang huyện khác, đồng thời tiến hành xét nghiệm định kỳ cho người lao động.
Đại điện Công ty trách nhiệm hữu hạn San Hà, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thịt gia cầm cho nhiều hệ thống siêu thị lớn và có nhà máy giết mổ tại Long An cho biết, doanh nghiệp đang cố gắng tăng công suất để bù đắp một phần sản lượng bị thiếu hụt do các cơ sở giết mổ khác dừng hoạt động. Nhưng khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay là đội ngũ tài xế lái xe vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm đang mắc kẹt trong các khu vực bị phong tỏa hoặc cách ly.
Công ty trách nhiệm hữu hạn San Hà kiến nghị được xem xét giải quyết cho các tài xế đang ở trong các khu phong tỏa nhưng không thuộc diện phải cách ly tập trung, có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính được đi làm để đảm bảo việc vận chuyển liên tục.
Việc nhiều nhà máy chế biến thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm công suất hoặc đóng cửa đang khiến một lượng lớn nguyên liệu thủy sản bị tồn đọng lại vùng nuôi.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang còn khoảng 1,6 triệu tấn cá tra, 800.000 tấn tôm gần đến ngày thu hoạch nhưng không có nhân công và nhà máy chế biến giảm lượng mua vào.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam yêu cầu, ngành nông nghiệp các địa phương phải đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, doanh nghiệp chế biến thủy sản. Bởi một khi các đơn vị này ngừng hoạt động sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, làm gián đoạn chuỗi cung ứng chăn nuôi-tiêu thụ thực phẩm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương phải linh hoạt trong việc duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và nhà máy chế biến thủy sản.
Theo ông Trần Thành Nam, địa phương không thể cứng nhắc yêu cầu "3 tại chỗ" như các ngành sản xuất thông thường khác vì vừa không đảm bảo điều kiện ăn ở cho lao động, vừa vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Thay vào đó, địa phương cần tăng cường các biện pháp tiêu độc, khử trùng, khuyến cáo thực hiện tốt 5K và hỗ xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên các cơ sở trên.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất các địa phương ưu tiên phân bổ nguồn vaccine để tiêm cho người lao động tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, doanh nghiệp chế biến thủy sản nhằm động viên họ yên tâm làm việc. Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm COVID-19 để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì hoạt động, đảm bảo sự liên tục trong chuỗi cung ứng thực phẩm./.