Cắt giảm đầu tư công là bắt buộc để kiềm lạm phát

Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc cắt giảm đầu tư công là khó khăn, phức tạp nhưng đây là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát.
Sáng 28/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015.

Nhiều vấn đề nóng về nợ công, đầu tư công, lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội... đã được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự.

Không nên quá lo lắng về nợ công

Trước những quan ngại của nhiều đại biểu về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết tính đến 31/12/2010, tỷ lệ nợ Chính phủ là 45,7% GDP, nợ nước ngoài là 42,2%, nợ công là 57,3%.

Trong kế hoạch trình Quốc hội, ước đến 31/12 nợ công là 54,6%, đến 31/12/2012 là 58,4%. Chỉ số này được tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được mức 6,5%, tỷ lệ nợ công sẽ thấp hơn đáng kể.

Về cơ cấu nợ công, trong tổng nợ công của Việt Nam, nợ ODA chiếm 75%, vay ưu đãi khác 19%, vay thương mại chỉ 7%. Vay ODA có thời gian rất dài và lãi suất ưu đãi. Khi so với các nước cần chú ý cơ cấu này, nhất là đối với những nước đang phát triển và các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, tỷ trọng nợ công phần vay thương mại chiếm rất nhiều.

Về phương pháp tính cũng có khác nhau, các nước phát triển tính tỷ lệ theo giá trị đồng tiền, Việt Nam tính theo phương pháp giá trị danh nghĩa. Nếu quy theo giá trị đồng tiền, tỷ lệ nợ công của Việt Nam còn thấp hơn.

Tuy vậy, Chính phủ cũng tính toán cơ cấu này đã và sẽ có thay đổi khi mà khoản ODA và ưu đãi đang trả dần, khoản vay thương mại đang có xu hướng tăng lên vì Việt Nam đã được đưa vào danh sách là nước có thu nhập trung bình.

Chính phủ đã tính toán để có chiến lược quản lý nợ công thích hợp hơn cho từng giai đoạn. Nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm và nợ trong nước tăng, đây là xu hướng tốt để Việt Nam giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ.

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính đã xây dựng xong chiến lược quản lý và phát triển nợ công đến năm 2020, đang trình Chính phủ để trình các cơ quan có liên quan xem xét, thông qua.

Bộ đang chủ động xây dựng các kế hoạch trung hạn và các đề án cụ thể để thực hiện chiến lược này khi được phê duyệt. Chính phủ cũng chỉ đạo hoàn thiện cơ chế công khai minh bạch, tăng cường công tác quản lý nợ.

Hiện tình hình nợ công được cập nhật 3-6 tháng/lần trên các bản tin quản lý nợ. Chính phủ đã cho Bộ Tài chính thành lập Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, giúp cho việc quản lý tập trung thống nhất vấn đề về nợ công.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo và đồng ý cho Bộ chủ trì xây dựng đề án xếp hạng tín nhiệm quốc gia để nâng mức xếp hạng tín nhiệm đảm bảo cho việc vay nợ của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong thời gian tới một cách tổng thể nhất.

Đồng tình với nhận định của các đại biểu về việc không quan trọng là vay bao nhiêu mà là khả năng trả nợ thế nào, Bộ trưởng cho biết hiện nay tổng số trả nợ của Chính phủ chiếm khoảng 14% – 16% tổng ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách. Thời gian tới, cùng với việc tăng cường quản lý sử dụng vốn vay, tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là cơ cấu đầu tư công và các chỉ số vĩ mô như GDP, dự trữ ngoại hối, tỷ giá ổn định, quản lý nợ sẽ tốt hơn, không nên quá lo lắng về nợ công.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội cho giữ tỷ lệ nợ công như đã trình, đó là nợ quốc gia không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53%, nợ công khoảng 60-65% GDP.

Cắt giảm đầu tư công là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát

Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên quan đến thực hiện Nghị quyết 11-NQ/CP về cắt giảm đầu tư công. Làm rõ thêm để có nhận thức và đánh giá thống nhất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành, địa phương về Trung ương.

Thực tế, đến thời điểm này, Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng vốn nào. Việc cắt giảm ở chỗ không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư mà đã cấp cho năm 2010 (giảm khoảng 5.000 tỷ đồng); không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước (10.000 – 12.000 tỷ đồng); không cho phép khởi công mới các công trình. Đến hết tháng 9, đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng.

Tư tưởng chính của Nghị quyết 11 là rà soát, sắp xếp lại các dự án bởi trước đây vốn ít mà bố trí rất nhiều dự án nên kéo dài, không dự án nào hoàn thành, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định.

Chính phủ không cho khởi công mới để tránh tiếp tục dàn trải. Đối với nguồn vốn đã bố trí, các địa phương, bộ, ngành sẽ soát xét lại theo tính cấp thiết của dự án để dồn cho các dự án có thể hoàn thành trong năm 2011. Như vậy, chủ yếu là sắp xếp lại cho tập trung hơn, hiệu quả hơn, chứ không có chuyện thu về Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho biết cắt giảm đầu tư công khác với cắt giảm chi thường xuyên. Nghị quyết 11 yêu cầu cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10%, Bộ Tài chính đã cắt ngay trên phần chi cho các địa phương, bộ, ngành, tổng số khoảng 3.800 tỷ đồng. Việc cắt giảm đầu tư công là rất khó khăn, phức tạp nhưng đây là biện pháp bắt buộc để kiềm chế lạm phát.

Quyết tâm thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Cho đến nay, tổng số cán bộ công chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện là khoảng 270 nghìn cán bộ, công chức, tăng khoảng 13,7% so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12.

Toàn quốc có khoảng 233 nghìn cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn. Khoảng 200 nghìn cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn và khoảng 350 nghìn cán bộ không chuyên trách cấp ấp, thôn.

Tuy nhiên, nhiều địa phương căn cứ tình hình thực tế bổ sung thêm khoảng 150 nghìn cán bộ, vì thế hiện nay, tổng số cán bộ không chuyên trách triển khai theo quy định Nghị định 92 và sự vận dụng thêm của các địa phương là khoảng 700 nghìn người.

Bộ máy cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn đã cơ bản ổn định, có sự chuẩn hóa cán bộ, góp phần nâng cao sức chiến đấu của cơ sở Đảng và năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết hiện nay, nhiều địa phương đã đề nghị Bộ Nội vụ tăng một số chức danh cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách của xã, phường, thị trấn và của thôn, ấp; nâng chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách hoặc đề nghị Trung ương giao cho địa phương quyết định chế độ phụ cấp. Bộ Nội vụ sẽ căn cứ đề nghị của địa phương và ý kiến đại biểu Quốc hội để tổng hợp nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Cũng theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành xây dựng đề án cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công. Bộ Nội vụ quyết tâm cùng các ngành chức năng thực hiện đúng lộ trình thực hiện đề án này, vì đây là vấn đề có tính cấp bách, bức xúc, nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành.

Từ năm 2012-2014, Bộ sẽ cố gắng điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp, sau đó mới tính đến quan hệ lương tối thiểu-trung bình- tối đa và sau đó là tính đến thang lương, bậc lương, ngạch lương và chế độ phụ cấp.

Hy sinh lợi ích nhỏ vì quyền lợi của cộng đồng, đất nước

Với tư cách Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cảm ơn, đánh giá cao sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, cử tri, các tầng lớp nhân dân về các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp thu các ý kiến đó trong quá trình hoạch định chính sách.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, để giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông cần thực hiện một số nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp cơ bản lâu dài là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời ban hành các văn bản dưới Luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao để đảm bảo pháp luật được thực thi trong cuộc sống; triển khai quyết liệt, đồng bộ các quy hoạch, chiến lược về giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt; đảm bảo sự phát triển đồng bộ hài hòa giữa quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và chiến lược chính sách phát triển phương tiện giao thông vận tải và tập trung ưu tiên phương tiện vận tải công cộng, nhất là tại các đô thị lớn và đáp ứng nhu cầu hợp lý về phương tiện giao thông cá nhân của các tầng lớp nhân dân.

Việc phê duyệt quy hoạch đô thị, khu dân cư mới cần đảm bảo 16- 26% quỹ đất dành cho giao thông và đảm bảo sự đồng bộ giữa kết cầu hạ tậng giao thông với các kết cấu hạ tầng khác.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải cần được tập trung đầu tư, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các loại hình giao thông. Đồng thời, giao thông cần được tổ chức một cách hợp lý và việc khai thác hạ tầng giao thông đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ cần được triển khai; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân để người dân đồng thuận thực thi nghiêm túc pháp luật, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thêm: các biện pháp đang triển khai như: phân luồng, phân làn, phân tuyến, đổi giờ làm việc... không phải sáng kiến của Bộ Giao thông Vận tải mà chỉ là những giải pháp đã được nêu trong các Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ từ năm 2002 đến nay về công tác đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Thừa nhận các biện pháp như đổi giờ làm việc sẽ gây ra xáo trộn, ảnh hưởng đến một số người dân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mong các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân chia sẻ và đồng thuận thực hiện, vì quyền lợi lớn của cộng đồng và đất nước.

Cũng trong buổi thảo luận, các đại biểu Đặng Hoàng Tâm (thành phố Hồ Chí Minh); Bế Xuân Trường (Bắc Kạn); Thân Đức Nam (Đà Nẵng); Nguyễn Văn Cảnh ( Bình Định)… đã tham gia phát biểu.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với bản Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm tới đồng thời đưa ra những phân tích và kiến nghị các biện pháp thực hiện mục tiêu của bản Báo cáo.

Tổng kết phiên thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế- xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: qua 1,5 ngày làm việc, 101 đại biểu đăng ký phát biểu và đã có 68 đại biểu trực tiếp phát biểu tại Hội trường.

Đa số các đại biểu thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ.

Nhiều đại biểu đã đi sâu đánh giá phân tích về tình hình phát triển kinh tế- xã hội 5 năm qua, đặc biệt năm 2011 trong bối cảnh điều kiện khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước. Nhiều đại biểu đã phân tích những nguyên nhân hạn chế yếu kém trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời bổ sung những bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu tập trung thảo luận và thống nhất cao về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội là cơ sở quan trọng để Quốc hội xây dựng ban hành Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và 5 năm tới.

Chiều nay, đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.

Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục