"Cậu bé trên khí cầu” gây xôn xao khắp nước Mỹ

Nhiều đài truyền hình Mỹ phải đình các tin tức quan trọng để nhường chỗ cho tin về một cậu bé 6 tuổi vô tình bị “bốc” lên trời.
Lịch phát sóng của nhiều đài truyền hình Mỹ hôm 15/10 đã bị đảo lộn, các tin tức quan trọng phải đình lại để nhường chỗ cho thông tin về một cậu bé 6 tuổi vô tình bị “bốc” lên trời ở độ cao hơn 2.000m cùng chiếc khí cầu tự tạo.

Tuy nhiên, hóa ra sự thật không phải như vậy và dư luận nghi ngờ ông bố của cậu bé này đã dựng chuyện để được nổi tiếng.

Kế hoạch giải cứu Falcon

Bầu trời bang Colorado (Mỹ) rất trong vào ngày 15/10, đủ để người ta thấy một quả khí cầu tự tạo hình chiếc đĩa đang bay tự do. Tin tức gây sốc là có một đứa bé 6 tuổi bị mắc kẹt trên quả khí cầu.

Cuộc truy đuổi bắt đầu sau khi anh của bé Falcon Heene báo với cảnh sát rằng em trai mình leo lên quả khí cầu chứa đầy khí heli nằm trong vườn nhà ở Fort Collins. Quả khí cầu này sau đó đã bị tuột dây và bay lên trời rất nhanh, di chuyển với tốc độ 42km/giờ.

Các đài truyền hình Mỹ lập tức gác lại kế hoạch đưa tin Tổng thống Barack Obama lần đầu thăm thành phố New Orleans kể từ khi nhậm chức. Họ cũng không đưa tin về các cuộc tranh cãi trong Quốc hội liên quan đến việc cải cách y tế có ảnh hưởng tới mọi người Mỹ. Thay vào đó, tin tức về Falcon xuất hiện tràn ngập.

Vụ việc này vốn chỉ liên quan tới một gia đình và lực lượng cứu hộ của một bang. Nhưng chuyện đứa trẻ 6 tuổi bị kẹt trên chiếc khí cầu bay ở độ cao 2.100m trên trời đã khiến cả nước Mỹ “khựng” lại.

Không lực Mỹ và Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) được báo động. Hai chiếc trực thăng của Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở bang Colorado được điều động lên trời để đuổi theo quả khí cầu. FAA thậm chí còn vẽ ra một số kế hoạch “giải cứu,” theo đó người ta có thể kéo quả khí cầu xuống đất bằng những chiếc tời được tạo ra từ thời Chiến tranh lạnh, vốn phục vụ cho hoạt động cứu hộ trên không hoặc để trục vớt các module tàu vũ trụ trở về trái đất.

Họ cũng cân nhắc tới việc sử dụng một tàu lượn có động cơ để tiếp cận với khí cầu, yêu cầu hai trực thăng của Lực lượng Vệ binh Quốc gia kéo nó xuống bằng các máy tời. Kịch bản khác là cho phép một số vận động viên nhảy dù áp sát quả khí cầu và tìm cách đưa nó xuống đất.

Cuối cùng, khi chưa kế hoạch nào được triển khai, quả khí cầu đã tự hạ dần xuống một cánh đồng sau khi bay được hơn 80km. Lực lượng cứu hộ vội lao tới tìm kiếm bé Falcon. Nhưng họ sớm nhận ra rằng trong quả khí cầu không có ai cả.

Người ta lại hoảng hốt tìm kiếm tiếp vì sợ rằng bé Falcon đã rơi xuống đất và tử vong khi quả khí cầu mới bay lên. Khoảng một giờ sau khi khí cầu đáp xuống đất, cảnh sát bắt đầu nghi ngờ. Họ cho rằng Falcon có thể chưa từng đặt chân lên quả khí cầu này. Vì thế họ bắt đầu lục soát quanh nơi cậu bé sống. Ngay trước khi mặt trời lặn, với hàng trăm nhân viên cứu hộ “cày xới” một khu vực rộng gần 200km2 quanh Colorado, cảnh sát đã tìm thấy Falcon.

Cảnh sát trưởng Jim Alderman tổ chức một cuộc họp báo và đưa ra thông tin gây sốc: “Cậu bé đang ở nhà”.

Trò đùa vô duyên và tai hại?

Hóa ra suốt thời gian mà người ta thực hiện chiến dịch “giải cứu,” Falcon Heene đã ngủ ngon lành trong một chiếc hộp cáctông trên gác mái. Khi bị báo chí chất vấn, Falcon đã cố gắng giải thích một cách rành rọt: “Bố làm cháu sợ vì đã mắng cháu. Vì thế cháu đi trốn”. Bố của Falcon thừa nhận có mắng con. “Đúng là tôi đã mắng thằng bé. Bố xin lỗi vì đã mắng con,” ông nói và dang tay ôm chầm lấy Falcon.

Khi được hỏi liệu vụ việc có phải là một trò để gây chú ý dư luận hay không, bố của Falcon bác bỏ và nói rằng sau những gì mình đã chịu đựng thì thật kinh khủng khi có người nghĩ ông dựng lên chuyện này.

Nhưng chính cậu con trai đã vô tình “bóc mẽ” cha trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Đài truyền hình CNN. Đó là lúc bố của Falcon hỏi con trai vì sao không chịu rời khỏi chiếc hộp cáctông khi mọi người bổ đi tìm. Cậu bé đáp lại: “Bố đã nói là chúng ta sẽ làm chuyện này để gây chú ý kia mà.”

Khi phóng viên đề nghị người cha bình luận về lời nói của đứa trẻ, ông ta đã nổi cáu: “Tôi thực sự thấy sợ bởi các bạn vẫn cố cho rằng tôi dàn dựng mọi chuyện.”

Cảnh sát trưởng Jim Alderden cũng cho rằng không có dấu hiệu chứng tỏ đây là trò phao tin đồn nhảm. Hiện tại, cảnh sát chưa quyết định có nên điều tra thêm về vụ việc này hay không. Trong trường hợp bị phát hiện là lừa đảo, bố con Heene sẽ gặp rắc rối lớn.

Riêng nỗ lực giải cứu Falcon đã khiến các cơ quan chức năng bỏ ra hàng trăm ngàn USD. Đó là chưa kể tới những tổn thất mà các hãng hàng không phải chịu do máy bay của họ phải đổi hướng để tránh đụng nhằm quả khí cầu./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục