Câu chuyện xót xa của “oan trái” và “trong trắng”

“Trái tim trong trắng” (hay “2000 ngày oan trái”) là kịch bản dựa trên một câu chuyện có thật, một câu chuyện xót xa và nhiều hệ lụy.
Hai ngày liên tục, hai đơn vị diễn cùng một kịch bản, hai thể loại khác nhau: một kịch hát dân tộc (Đoàn Cải lương Hải Phòng), một kịch nói (Đoàn kịch III Nhà hát Kịch Hà Nội). Và người xem (trong đó có tôi) có cơ hội so sánh và đối chiếu giữa hai bản dựng...

“Trái tim trong trắng” (hay “2000 ngày oan trái”) là kịch bản dựa trên một câu chuyện có thật, một câu chuyện xót xa và nhiều hệ lụy. Chất “bi” trong kịch bản là rất phù hợp với cải lương, và có thể nói, đó là một lợi thế cho Đoàn Cải lương Hải Phòng. Ngược lại, cũng vì dành thời lượng cho những câu ca, kịch bản dành cho cải lương đã phải cắt tỉa đi không ít so với những gì Nhà hát Kịch Hà Nội thể hiện trên sân khấu.

Mở đầu của cải lương là trữ tình hoàn toàn, sau đó đột nhiên đẩy nhanh bi kịch; còn mở của kịch nói là một dấu hiệu oan khuất, là nỗi ám ảnh. Sự bắt đầu đều ổn.

Diễn biến của vở, tuy cải lương bị cắt gọt kịch bản nhiều, nhưng tính cách vẫn được khắc họa rõ hơn so với bản kịch nói. Số phận nhân vật đầy bi kịch lại được nhấn mạnh hơn, trong khi bản kịch nói lại tỏ ra dàn trải, thiếu thuyết phục. Trong khi bản cải lương tạo được cảm giác “vạch mặt chỉ tên”: tạo ra án oan là sự vô trách nhiệm của người có chức quyền thì bản kịch nói lại có vẻ “xuê xoa”: tạo ra án oan là anh của nạn nhân (cũng là thủ phạm) chứ không phải cơ quan hữu trách. Về mặt nội dung, rõ ràng bản cải lương đã đi đúng hướng.

Các vai công an Hùng, người bạn tù Bốn, thậm chí một vai rất mỏng như vai Chánh án cũng vẫn có tính cách riêng. Trong khi đó, dù có nhiều đất diễn hơn, nhưng các vai đó trong bản kịch nói lại mơ hồ, mờ nhạt. Rất may, vai chính Luân trong bản kịch nói diễn tốt hơn, thể hiện tâm trạng và bi kịch tốt hơn.

Mặc dù phải dùng tên “2000 ngày oan trái” cho đúng chất cải lương, nhưng bản dựng của Đoàn Cải lương Hải Phòng lại bám sát hơn hình ảnh trái tim trong tên gốc. Toàn bộ diễn biến vở, diễn biến của nỗi oan đều sử dụng hình ảnh trái tim bị khuôn chặt. Vai Hoát, gã anh rể cơ hội và hèn hạ, sau câu thoại “Nó lại bảo mình không có tim à? Chả tim đây là gì?” đã... đập lên ngực phải! Điều đó cho thấy, mặc dù mang đặc thù riêng của thể loại: thu hút và lấy nước mắt khán giả bằng sự éo le của câu chuyện và những câu ca mùi mẫn, đạo diễn vẫn chú ý đến chi tiết chứ không ỷ lại.

Với một vở như thế này, yêu cầu đối với cái kết luôn là thể hiện được sự ray rứt của người trong cuộc, trực tiếp tạo ra oan sai và để lại một dấu chấm than (!) trong lòng người xem. Bản cải lương làm được điều đó. Còn bản kịch nói, việc “bày biện” diễn viên tham gia vào cảnh kết cứ như chỉ để sắp sẵn đội hình sao cho màn chào khán giả được đầy đủ và ngay khi kết thúc. Chính vì vậy, kết của bản kịch nói bị vội và hẫng, không để lại được một chút dư âm gì trong lòng khán giả.

Tôi thích bản dựng cải lương hơn. Nhưng có lẽ, cả hai vở cũng chỉ dừng ở mức giữa 7.5 và 8. Việc đổi tên đã cho Đoàn Cải lương Hải Phòng nhằm tới mục tiêu thể hiện sự oan trái là chính và vẫn có chú ý khai thác hình ảnh trái tim. Trong khi đó, Nhà hát kịch Hà Nội lại cũng chỉ thể hiện được nỗi oan, mà chưa thể hiện được thông điệp “trong trắng” (của nhân vật) có sẵn trong tên vở. Nếu cần phải chọn một trong hai, tôi chọn bản cải lương.

Nói thêm một chút, hình ảnh hoa mận trắng mong manh như điềm báo của tai ương đổ xuống đã không được các đạo diễn khai thác. Tôi rất tiếc. Đối với riêng tôi, hình ảnh “Lòng cha dẫu héo khô cành mận dại/Nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa” trong thơ anh Vũ luôn thật đẹp và đầy ám ảnh. Lẽ ra trong một vở “thời sự” như thế này, những chi tiết trữ tình và sâu sắc hiếm hoi cần phải được tận dụng chứ không thể để trôi qua uổng phí. Hình ảnh người cha già yếu thương con, nhớ đến từng sở thích nhỏ của con chính là một dấu mốc khắc khoải khiến cho nhân vật không chần chừ nhận tội để cứu cha.

Nhưng thôi, cũng không thể đòi hỏi quá nhiều được. Tôi biết điều đó mà. Bài thơ “Nói với con cuối năm” mà tôi trích hai câu ở trên đã kết thúc như sau: “... rồi cha con ta sẽ tìm được con đò/đi sang bên ấy”. Dù trong bản cải lương hay kịch nói, cuối cùng nhân vật chịu oan cũng đã tìm được “con đò”. Thế là mừng cho anh lắm rồi!

Lưu Sơn Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục