Cầu đường sắt qua sông Hồng: Ưu tiên phương án cách cầu Long Biên 75m

Nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà sử học đều nghiêng về phương án xây dựng cầu đường sắt đô thị mới vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75m.
Cầu đường sắt qua sông Hồng: Ưu tiên phương án cách cầu Long Biên 75m ảnh 1Toàn cảnh cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Dù còn nhiều tranh cãi trong việc xây dựng cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư, nhà sử học đều nghiêng về phương án xây dựng cầu đường sắt mới cách cầu Long Biên 75m đồng thời quan tâm đến việc bảo tồn cầu Long Biên, phù hợp với cảnh quan cũng như yếu tố lịch sử của cây cầu này.

Ba phương án, một lựa chọn

Tại Hội thảo lấy ý kiến về vị trí xây dựng cầu trên tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) vượt sông Hồng vào hôm nay (28/10), theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, quy hoạch cầu đường sắt mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách cầu Long Biên trong phạm vi khoảng 200m và đảm bảo 7 nguyên tắc là hài hòa giữa bào tồn và phát triển đồng thời đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân; giữ nguyên cầu Long Biên và cảnh quan khu phố cổ khu vực đầu cầu; hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng; thuận tiện kết nối giao thông công cộng; đảm bảo giao thông thủy, tính năng thông thuyền và thoát lũ sông Hồng; đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật và hiệu quả kinh tế xã hội của dự án.

Căn cứ vào 7 nguyên tắc này, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI-Bộ Giao thông Vận tải), đơn vị chịu trách nhiệm lập phương án xây dựng đã đưa ra 3 phương án vị trí cầu đường sắt mới.

Cụ thể, phương án 1, tim cầu cách cầu Long Biên 30m về phía thượng lưu. Đây chính là phương án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2008.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI khẳng định, về mặt xây lắp, phương án này có chi phí thấp hơn nhưng số lượng giải phóng mặt bằng lớn (với 2.000 hộ dân) nên chi phí sẽ cao. Hơn nữa, phương án này xây dựng cầu đường sắt đô thị ngay sát cầu Long Biên sẽ rất khó tổ chức giao thông đô thị qua cầu Long Biên tại 2 nút giao đầu cầu.

“Với phương án này ít gây ảnh hưởng xấu tới kiến trúc cầu Long Biên cũng như không che khuất tầm nhìn của cầu,” ông Sơn cho biết.

Cầu đường sắt qua sông Hồng: Ưu tiên phương án cách cầu Long Biên 75m ảnh 2Phối cảnh các phương án xây dựng cầu đường sắt đô thị mới vượt sông Hồng.

Phương án 2, tim cầu cách cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu. Phương án này đã được Hà Nội phê duyệt vào năm 2011 và cũng đã được JICA chấp thuận bởi tối ưu về mặt kiến trúc, cảnh quan, tạo điểm nhấn cho toàn khu vực. Tuy nhiên, phương án này có chi phí cao nhất do chiều dài tuyến đường sắt đô thị lớn nhất, chi phí giải phóng mặt bằng cũng cao nhất đặc biệt là từ đường Quán Thánh tới Nguyễn Trung Trực và khu ngoài đê Phúc Xá.

Phương án 3, tim cầu cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Đây là phương án mới nhưng lại nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà khoa học, chuyên gia.

Theo ông Sơn, cầu đường sắt đô thị cách cầu Long Biên 75m đủ xa để giảm bớt ảnh hưởng kiến trúc từ cầu Long Biên cũng như không bị vướng mắc trong thi công do hai cầu cạnh nhau. Về mặt xây lắp, mặc dù chi phí xây dựng cao hơn phương án 1 nhưng chi phí giải phóng mặt bằng thấp nhất dù có những đoạn đi mới trên đường Phùng Hưng và Hàng Đậu nhưng hoàn toàn có thể bố trí tuyến đường sắt đô thị mà không phải giải phóng mặt bằng nhà dân, hơn nữa khối lượng mặt bằng phía hữu ngạn chủ yếu ở đoạn chuyển từ Phùng Hưng sang Hàng Đậu.

“Qua các nghiên cứu, so sánh, TEDI khuyến nghị phương án 3 là khả thi nhất,” ông Sơn khẳng định.

Bỏ phiếu cách cầu Long Biên 75m

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam hoàn toàn nhất trí với nguyên tắc bảo tồn và phát triển cầu Long Biên, chuyển cầu đường sắt đô thị về phía thượng lưu.

"Phương án cầu đường sắt cách cầu Long Biên 30m đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, phương án 186m cũng được thành phố Hà Nội lựa chọn trong đề án quy hoạch, còn phương án cách cầu Long Biên 75m là phương án mới. Phương án này có điểm chưa làm rõ, tại sao lại giải phóng mặt bằng ít đi vì đã chiếm dụng toàn bộ đường Hàng Đậu, trong tương lai sau này câu chuyện gì sẽ xảy ra. Chức năng giao thông sẽ mất con đường Hàng Đậu?" ông Long bày tỏ sự nghi ngại.

Ông Long kiến nghị thêm, về mặt kiến trúc, cảnh quan giữa cầu đường sắt vượt sông Hồng với cầu Long Biên phải tương đồng. Cụ thể, hình dáng cầu Long Biên như con rồng, nhấp nhô vượt qua sông Hồng là không thay đổi, do vậy cảnh quan của cầu đường sắt mới, nằm cạnh cầu Long Biên phải có nét tương đồng.

Theo Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam, dù xây dựng cầu đường sắt đô thị ở vị trí nào cũng phải đặt điều kiện bảo tồn cầu Long Biên và khu vực phố cổ lên hàng đầu.

“Phương án 1 phải loại vì quá gần cầu Long Biên và thọc sâu vào khu phố cổ. Hai phương án còn lại đều có thể chấp nhận được trên phương diện bảo tồn di sản. Tuy nhiên, phương án 2 là tốt hơn do giải phóng mặt bằng ít,” Giáo sư Phan Huy Lê cho hay.

Đồng tình quan điểm này, Giáo sư Trần Lâm Biền, Uỷ viên hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng, phương án cầu mới cách cầu Long Biên 75m là hài hòa với cầu cũ, không quá xa cũng không quá gần sẽ tạo nên một thể như cầu đôi nhưng phải tôn được giá trị của cầu Long Biên.

Tại buổi hội thảo ngày hôm nay, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà sử học cũng nêu quan điểm, sau khi có cầu đường sắt đô thị mới thì về lâu dài nên để cầu Long Biên thành cây cầu đi bộ, ở đó không chỉ là bảo tàng một cây cầu mà là bảo tàng một Hà Nội cổ kính.

Ông Lưu Minh Trị, Chủ tịch hội bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội cho rằng, cầu Long Biên là cây cầu lịch sử, gắn liền với văn hóa. Tuy nhiên, trong việc bảo tồn phải tính đến công năng của cầu Long Biên sau này, trước mắt có thể cho xe máy, xe đạp lưu thông nhưng về lâu dài nên để thành cây cầu đi bộ.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nhiều thủ đô có cầu đi bộ, rất quan trọng với một thành phố có con sông chạy qua. Tại sao Hà Nội không có cầu đi bộ? Tại sao không biến cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ? Một kiến trúc sư người Pháp đã lựa chọn 24 cầu đẹp nhất thế giới hiện đại để làm cầu đi bộ, trong đó có cầu Long Biên.

Phát biểu tại buổi lấy ý kiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhìn nhận, về vị trí và phương án kiến trúc cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng là hết sức hệ trọng và rất khó bởi liên quan đến nhiều yếu tố gồm kinh tế, văn hóa, xã hội và những vấn đề chuyên ngành khác (đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia), thủy lợi, thoát lũ... và đặc biệt là liên quan đến bảo tồn cầu Long Biên, phố cổ, phố cũ.

“Hội nghị có 15 ý kiến tham gia của các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà sử học thì có 9/15 người lựa chọn thống nhất theo phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên 75m trong đó lưu ý kiến trúc cầu mới không ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc cầu Long Biên; bảo đảm được giao thông, kiến trúc cảnh quan phố Hàng Đậu,” Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết.

Với đề xuất xem lại phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên 186m, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo bày tỏ quan điểm, thành phố sẽ xem xét và cân nhắc các ý kiến đóng góp bởi có 5/15 ý kiến đồng thuận phương án này.

“Tôi hoàn toàn thống nhất quan điểm, việc lựa chọn cầu đường sắt mới, phương án kiến trúc phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đạt được sự đồng thuận cao của người dân cũng như hạn chế ít nhất việc giải phóng mặt bằng, di dân,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục