Chấm dứt "đọc-chép": "Cửa" mở nhưng khó qua

Chấm dứt tình trạng "đọc-chép" là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục nhưng sẽ khó vượt qua bởi những lý do khách quan lẫn chủ quan.
Chấm dứt tình trạng "đọc - chép" là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, từ năm học 2009-2010, nhưng nhiệm vụ này được dự báo là sẽ khó vượt qua trong thời gian ngắn bởi những lý do khách quan lẫn chủ quan.

"Làn sóng" đổi mới

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều năm học qua, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn vận động các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thực hiện cam kết đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt là không đọc-chép.

Năm 2008 được xem là năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo đội ngũ giáo viên sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học như máy vi tính, PowerPoint, khai thác hiệu quả mạng internet phục vụ giảng dạy.

Chính vì vậy, hầu hết các trường đều đầu tư trang thiết bị dạy và học, cách đánh giá, tạo nên làn sóng đổi mới phương pháp trên toàn thành phố. Thầy Thái, giáo viên dạy Văn Trường trung học phổ thông Marie Curie Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một số giáo viên trẻ đứng trên bục giảng từ năm 1992 trở về đây dạy tốt hơn các giáo viên đi trước nhờ tiếp cận nhanh những phương pháp đổi mới trong dạy học.

Giáo án điện tử vẫn còn xa...

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng được trang bị công nghệ thông tin, ngay cả những trường có năng lực tài chính dồi dào nhất. Theo Sở Giáo dụ và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2009-2010 đã bắt đầu, nhưng trang thiết bị dạy học vẫn đang rất thiếu.

Ông Lê Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho biết, nhiều môn học như Vật lý, Hóa học, Sinh học đều được làm thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Mỗi phòng học được trang bị một tivi LCD 32 inch, máy chiếu... Tuy vậy, vẫn phải có thư viện điện tử để học sinh tìm kiếm thông tin về các môn học, hoặc xem lại tiết học vừa giảng thì mô hình này mới phát huy được. Nhưng nếu đầu tư, trường phải tốn hơn hai tỷ đồng và hiện nay phải chờ.

Tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi ở quận 4, mỗi năm chi 20% ngân sách cho cơ sở vật chất nhưng cũng không sắm sửa được gì để phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử. Trước mắt, trường đành phải chờ nguồn tài trợ và đóng góp của phụ huynh để trang bị thêm các phương tiện cho giáo viên dạy học bằng giáo án điện tử.

Ở các vùng ven (Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè...), việc đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho các trường phục vụ công tác giảng dạy và học tập càng hết sức khó khăn.

Cô Phan Thị Hoàng Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hưng Hòa A, cho biết phòng học, bàn ghế còn phải chạy nước rút, nói chi đến giáo án điện tử. 1.400 học sinh với 36 lớp nhưng chỉ có hai máy vi tính xách tay và một máy chiếu. Mỗi giáo viên chỉ dạy một lần trong năm vào dịp thao giảng.

"An toàn" là đọc-chép

Có giáo án điện tử rồi, nhưng không phải giáo viên nào cũng có thể áp dụng được phương pháp đổi mới trong việc giảng dạy.

Trên thực tế, đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả thực sự tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: Tâm huyết và trí tuệ của người dạy; cách đánh giá học sinh hàng ngày qua thi cử (bằng điểm, qua cách ra đề trong các kỳ thi…); đánh giá giáo viên qua tỉ lệ học sinh lên lớp, thi cử; hoàn cảnh và trình độ nhận thức của học sinh; trang thiết bị của nhà trường.

Chính vì thế, nhiều giáo viên không mặn mà đổi mới phương pháp cũng như thay đổi tư duy, đã vậy chương trình còn quá nặng, ôm đồm nên đọc - chép là phương pháp an toàn và tối ưu nhất.

Bạn N.T.Mai, học sinh lớp 11, trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn cho biết: "Mấy năm học trước, một vài thầy cô cũng muốn thay đổi cách giảng dạy, không đọc - chép mà chỉ giảng bài. Tuy nhiên, bọn mình nghe giảng chẳng biết ý nào chính, ý nào phụ nên lúng túng không ghi được gì. Đến khi làm bài kiểm tra, thầy cô giật mình vì điểm tụi mình quá thấp. Cuối cùng, vì thành tích của lớp và của trường, mọi chuyện vẫn như cũ: Đọc và chép".

Thầy Thái thừa nhận, không phải học sinh  nào cũng thông minh nắm bắt được các ý mà giáo viên truyền đạt, và không phải giáo viên nào cũng có thể truyền tải được hết ý bài giảng đến học sinh 1 cách sinh động và sáng tạo.

Hiện nay, giáo viên còn hạn chế tính chủ động do yêu cầu dạy chính xác từng tiết, từng bài, từng phân đoạn theo sách hướng dẫn giảng dạy. Bên cạnh đó, cách chấm điểm của ngành giáo dục vẫn dựa theo "barem", nghĩa là chấm theo ý trong sách mà không dựa theo tính sáng tạo của học sinh, nhất là trong môn văn. Do đó, dù thầy cô có giảng bài theo cách nào, học sinh vẫn phải làm bài theo đúng ý trong sách.

Chính vì thế, đã có nhiều trường hợp giáo viên đối phó chuyện học và thi cử bằng cách soạn sẵn các bài giảng ở nhà, photo cho học sinh. Khi đến lớp, các trò chỉ tập trung nghe giảng mà không cần ghi chép. Theo đó, học sinh cũng sẽ không bị hụt hẫng khi học bài cũng như làm bài tập. Để khắc phục tình trạng này, việc đổi mới cần bám chặt vào mục tiêu đào tạo, phá bỏ sự trở ngại giữa việc tổ chức thi và bài dạy để giảng viên mạnh dạn đổi mới./.
Từ năm học 2009-2010, tất cả các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cả nước phải chấm dứt tình trạng "đọc - chép". Đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm của "Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục", do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân mới ký ban hành. Theo đó, mỗi trường có kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục