Chăm lo an sinh xã hội cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch

Chương trình “Chung sức hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19” được triển khai tại TP.HCM nhằm chăm lo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Chăm lo an sinh xã hội cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch ảnh 1Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 vận chuyển hàng ngàn túi quà an sinh xã hội trợ giúp người nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các phường trong những ngày thành phố giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đấy.” (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhằm chăm lo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Thành phố, Sở Ngoại vụ Thành phố cùng Quỹ Dragon Capital và VinaCapital Foundation triển khai chương trình “Chung sức hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.”

Với mục đích lan tỏa tinh thần “San sẻ yêu thương” để mọi người dân thành phố mang tên Bác có thể cùng nhau vượt qua đại dịch một cách thuận lợi nhất, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau,” chương trình “Chung sức hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19” được triển khai với 3 nhiệm vụ cụ thể: hỗ trợ cho người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hỗ trợ cho người nước ngoài đang sinh sống, lao động, học tập, du lịch hoặc không thể về nước do ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19. Phạm vi hỗ trợ trên toàn địa bàn thành phố, thời gian từ nay cho đến hết ngày 15/9 tới.

Về nội dung hỗ trợ cụ thể, đối với mỗi trường hợp người dân, kể cả người nước ngoài đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn vì dịch có thể chủ động đăng ký thông tin đề nghị được hỗ trợ qua số đường dây nóng: 0866.699.473 hoặc tại đường dẫn: https://bit.ly/SupportForeigner. Nhằm giúp công tác hỗ trợ người dân được tiến hành thuận lợi, chương trình đã triển khai các tổng đài tiếp nhận thông tin hỗ trợ với đường dây nóng dành cho 5 nhóm ngoại ngữ khác nhau.

Sau khi xác minh người đăng ký thuộc đúng đối tượng hỗ trợ của dự án, chương trình sẽ cử đại diện đến cơ sở trao cho mỗi trường hợp người dân khó khăn một suất quà nhu yếu phẩm trị giá 300.000 đồng gồm gạo, mỳ gói, nước tương, đồ hộp… cùng khoản tiền mặt 1,5 triệu đồng chuyển qua tài khoản ngân hàng cá nhân của người được hỗ trợ theo 2 đợt: đợt 1 ngay sau khi xác minh đúng đối tượng và đợt 2 là 15 ngày sau đó, mỗi đợt hỗ trợ 750.000 đồng.

[Nhiều hình thức tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân TP.HCM gặp khó]

Chương trình còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ mua hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn và hỗ trợ tư vấn sức khỏe, tâm lý qua tổng đài cho người dân có nhu cầu. Đặc biệt, chương trình cũng hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người dân bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tùy theo khả năng và mức độ công việc phù hợp với từng trường hợp để sau khi đại dịch kết thúc, người dân có thể nhanh chóng có nguồn thu nhập mới giúp cải thiện kinh tế cho gia đình mình.

Đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, bên cạnh gói hỗ trợ về nhu yếu phẩm, chương trình hỗ trợ thêm các suất ăn miễn phí và cung ứng vật tư y tế, dụng cụ bảo hộ cần thiết trên cơ sở trao đổi và nắm thông tin nhu cầu của từng trường hợp, đơn vị cần hỗ trợ. Mục tiêu đặt ra là bảo đảm tuyệt đối về an toàn và sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu trong khi làm nhiệm vụ.

Đối với trường hợp người dân cần hỗ trợ là người nhiễm, nghi nhiễm hoặc có liên quan đến ca mắc COVID-19, sau khi bộ phận tổng đài dự án tiếp nhận thông tin, đại diện chương trình tại cơ sở sẽ tới trao một suất quà nhu yếu phẩm và một phần thuốc theo toa của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có thời gian sử dụng trong vòng 7 ngày.

Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an sinh xã hội của rất nhiều người dân, bao gồm các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của đại dịch cũng gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch khi vừa phải bảo đảm an toàn, vừa phải bảo đảm chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trong thời gian tới, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp để vận động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tăng thêm kinh phí, giúp nhiều người dân nhận được hỗ trợ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục