Chấp thuận phương án cơ cấu lại TienPhong Bank

NHNN đã chấp thuận phương án cơ cấu lại TienPhong Bank với nhiều lĩnh vực trọng điểm như ổn định thị trường vàng, phục vụ công nghệ.
Ngày 2/7/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 3977/NHNN-TTGSNH về việc cơ cấu lại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TienPhong Bank).

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc cơ cấu lại TienPhongBank theo các nội dung cơ bản nêu tại phương án cơ cấu lại Ngân hàng Tiên Phong trình kèm theo công văn số 47/2012/TPB.HĐQT ngày 19/6/2012 của Ngân hàng Tiên Phong.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TienPhong Bank thực hiện việc cơ cấu lại Ngân hàng theo các nội dung và lộ trình nêu tại phương án cơ cấu lại đồng thời, chậm nhất ngày mùng 5 của quý kế tiếp, Ngân hàng Tiên Phong báo cáo Ngân hàng Nhà nước kết quả thực hiện trong quý trước và dự kiến kế hoạch thực hiện trong quý tới.

Được biết, kế hoạch tái cơ cấu của TienPhong Bank sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực trọng điểm. Đó là, TienPhong Bank sẽ tận dụng thế mạnh của DOJI mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh vàng, tạo đà tham gia ổn định thị trường vàng cùng một số ít ngân hàng khác; với cổ đông FPT có bề dày lĩnh sử trong lĩnh vực công nghệ, TienPhong Bank sẽ là “bà đỡ” cho các công ty, đơn vị ứng dụng công nghệ cao về mặt tài chính, kinh nghiệm quản trị.

Ngoài ra, Ngân hàng ưu tiên tập trung vốn tài trợ cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, nông thôn mới. Nguồn vốn này được TienPhong Bank tiếp nhận từ phía đối tác Nhật Bản dành cho Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G (cổ đông chiến lược của TienPhong Bank là DOJI làm chủ đầu tư) khoảng 21.000 tỷ đồng.

TienPhong Bank sẽ tham gia cung cấp tín dụng cùng đa dạng dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại như bảo lãnh, thanh toán, tài trợ, tư vấn tài chính…

Bên cạnh đó, dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong những thế mạnh từ ngày đầu thành lập của TienPhong Bank, Ngân hàng sẽ tập trung khai thác tiềm năng này, mang lại thu nhập thực sự dựa trên kinh nghiệm của Softbank (thuộc SBI Nhật Bản). Softbank có số lượng dưới 100 người nhưng quản lý tổng tài sản lên tới 10 tỷ USD chỉ dựa trên công nghệ ngân hàng điện tử./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục